Không phải trào lưu nhưng thời gian gần đây có hiện tượng các bạn trẻ “đeo bảng quỳ xin việc”. Dù chỉ là hiện tượng đơn lẻ nhưng khi nó xuất hiện, dư luận lại sục sôi. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp chìa tay ra đón nhận ngay tức thì như kiểu cứu người sắp chết đuối. Thật sự những thanh niên “quỳ xin việc” ấy có giống kẻ sắp chết đuối không? Xin thưa là không. “Cá nhân tôi sẽ không nhận những thanh niên ấy vào công ty của mình, đơn giản vì công ty của tôi không phải cơ sở từ thiện. Tôi cần người biết làm việc chứ không cần những người thích chơi trội, làm nổi”. Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Công ty Đông An (quận Gò Vấp, TP HCM), đã thẳng thắn trả lời như vậy.
Những kẻ đáng thương
Ông Hưng cho rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào các bạn trẻ cũng không được phép để nhà tuyển dụng rũ lòng thương hại đối với mình. “Lòng trắc ẩn thường nảy sinh ngay lập tức khi người ta chứng kiến những cảnh tượng thương tâm, đau lòng. Phản ứng tiếp theo là muốn bố thí cho những cảnh đời đáng thương ấy. Thế nhưng, chúng ta không thể suốt đời bố thí cho những người không biết tự mình vươn lên. Thậm chí, việc bố thí không đúng chỗ còn có thể gây tác dụng ngược” - vị giám đốc có vẻ bức xúc khi đề cập đến cái mà ông gọi là “khổ nhục kế” khi đi tìm việc.
Cũng chung quanh chuyện “quỳ xin việc”, một chuyên gia lao động (xin giấu tên) nói bản thân ông thấy chuyện này “kỳ kỳ”. Ông lý giải: “Với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, có nhiều phương tiện để tiếp cận việc làm như ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, tuyển dụng qua mạng, trung tâm dịch vụ việc làm... thì cơ hội việc làm là sẵn có. Chỉ có thể nói rằng công việc ấy chưa phù hợp với chuyên môn, mức lương chưa như mong muốn chứ không thể nói là không có một công việc để kiếm cơm qua ngày”.
Đem các ý kiến này trao đổi với anh Trần Mạnh Hùng, một ứng viên đang xem thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM, anh gật gù: “Thật ra thì kiếm một việc làm để có cơm ăn không khó, cái khó là một công việc ổn định, lương cao, phúc lợi tốt, nhiều cơ hội thăng tiến. Bản thân tôi cũng không đồng tình với việc đeo bảng, quỳ lạy để xin người ta ban cho cơ hội việc làm. Nếu vì lòng thương hại, người ta nhận anh vào làm thì lâu dài, nếu anh không làm được việc thì người ta cũng tống cổ anh đi. Nếu tôi là giám đốc doanh nghiệp, tôi cũng không tuyển nhân viên như vậy”.
Sao phải xin xỏ?
Không biết từ bao giờ, trong hồ sơ tìm việc của người lao động bên cạnh lý lịch, bằng cấp, hộ khẩu, CMND... thì luôn có tờ “đơn xin việc”. Điều đó cho thấy ngay từ đầu, người lao động đã ở thế yếu, ở thế phải đi “xin xỏ”. Thật ra hoàn toàn không đúng như vậy. Rất nhiều người lao động có tay nghề giỏi, có kỹ năng, doanh nghiệp rất cần, thậm chí trải thảm đỏ để mời về. Ấy vậy mà trong hồ sơ của những nhân tài ấy, cũng vẫn có tờ đơn xin việc!
“Nói ra thì người ta cho mình chảnh nhưng tôi rất ghét cụm từ “xin việc”. Trước giờ, tôi chưa bao giờ nói “xin việc”. Tôi chỉ đi “tìm việc” chứ chẳng xin xỏ ai” - ông H.H.A, giám đốc điều hành một doanh nghiệp lớn tại
TP HCM, chia sẻ. Theo ông H.H.A, cơ chế “xin - cho” như một thứ bệnh dịch, nó lây lan khắp mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực việc làm. “Anh có năng lực, có sức khỏe; tôi có máy móc, thiết bị, tiền bạc; chúng ta trao đổi với nhau. Đồng ý thì hợp tác, không đồng ý thì thôi. Anh không cần phải xin tôi mà tôi cũng không muốn ban phát cho anh điều mà anh xứng đáng được nhận”.
Ông H.H.A nói như vậy và kể thêm rằng trước đây có lần ông thấy thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên báo nên tìm đến ứng tuyển. Khi ông đến nơi, nhân viên tuyển dụng yêu cầu ông điền vào mẫu đơn xin việc có sẵn, ông từ chối. “Tôi nói với cô ta là tôi không đến đây để xin việc mà đến để tìm một công việc theo yêu cầu của công ty và phù hợp với năng lực, trình độ của mình” - ông kể. Sau đó, ông tự viết “thông tin của người tìm việc” rồi gửi lại. Ngay hôm sau, ông được mời đến phỏng vấn và được tuyển dụng. Kể đến đây, ông cười: “Họ nói tôi có bản lĩnh, thật ra tôi chỉ không muốn tự hạ thấp bản thân trước nhà tuyển dụng thôi. Đó cũng là một cách “làm giá” mà các bạn trẻ có thực tài nên áp dụng”.
Rất muốn nhưng không dám
Nguyễn Thị Nhung, tốt nghiệp đại học loại khá, muốn có một công việc phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo, mức lương thỏa thuận nhưng không thấp hơn 5 triệu đồng/tháng. Đây là thông tin tôi đọc được tại ngày hội việc làm tổ chức tại TP HCM mới đây. Nhung xin ứng tuyển vào 3 công ty nên phải viết 3 tờ đơn xin việc. Tôi xúi: “Bạn đừng viết xin việc mà viết tìm việc xem sao?”. Nhưng cô gái trẻ lắc đầu: “Không được đâu. Viết khác người như vậy, người ta cho là mình lập dị, sẽ đánh trượt ngay từ vòng sơ tuyển”.
Tôi lại đi “xúi giục” thêm 3 người nữa nhưng không ai dám thử. Người thứ nhất là một chàng trai tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP đã 2 năm. Cậu ta nói: “Người ta phát mẫu đơn sẵn, tụi em chỉ điền vào chứ họ không nhận đơn mình tự sáng tác”. Người thứ hai là một cô gái tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Cô cũng lắc đầu, giọng rụt rè y như thể tôi xúi dại điều gì ghê gớm lắm: “Em không dám. Biết đâu người ta muốn chọn mình mà thấy cách viết có kẻ kiêu ngạo như vậy, họ liền đánh rớt”. Tôi hy vọng ở người thứ ba là một chàng trai trông tướng mạo khôi ngô. Anh chàng cho biết mình “là dân kinh tế”, tốt nghiệp loại khá. Thế nhưng vừa nghe tôi đề nghị, anh ta đã rụt cổ: “Để em suy nghĩ... Mà thôi, ai sao mình vậy, làm khác, lỡ người ta bảo mình này nọ thì sao?”.
Tôi ôm cục thất vọng ra về, lòng thầm nghĩ chỉ đến khi nào người lao động đi “tìm việc” thì họ mới có thể không bị đè đầu cưỡi cổ. Chứ còn cứ đi “xin việc” như thế này thì ai muốn ban phát cho gì cũng phải nhận lấy...
Sẽ thử xem sao!
Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Giám đốc Công ty Minh An (quận Bình Tân, TP HCM), bày tỏ: “Tôi rất thích các ứng viên có cá tính, tự tin. Bên cạnh đơn xin việc theo mẫu của công ty, bao giờ tôi cũng đề nghị ứng viên, nhất là các bạn trẻ, viết một bài giới thiệu về mình. Từ những bài viết ấy, tôi có thể nhận diện được những ứng viên có tiềm năng. Với gợi ý “tìm việc” thay vì “xin việc”, tôi thấy rất hay. Tôi sẽ suy nghĩ và thử áp dụng xem sao”.
Bình luận (0)