Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra cách nay đã tròn nửa thế kỷ. Nhưng vầng hào quang chiến thắng Điện Biên vĩ đại vẫn chói sáng tươi mới trong trái tim mỗi người dân Việt hôm nay.
Dấu tích hào hùng
Vẫn còn đây những dấu tích lịch sử không thể mờ phai qua năm tháng: Hầm bại tướng Đờ Catơri bên sông Nậm Rốm, đồi A1- nơi diễn ra trận đánh đẫm máu cuối cùng, Sở Chỉ huy tại Mường Phăng của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp... và đồi Tỉn Keo nằm sâu trong núi rừng Việt Bắc, nơi Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị đã quyết định số phận tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trung tâm quần thể di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thuộc xã Phú Đình. Tại đây bên đèo De, dưới chân núi Hồng, liền kề suối Khuôn Tát với con thác bảy tầng huyền ảo có một ngọn đồi hình đầu ngựa thấp dần về phía trước, quanh năm rợp tán xanh của những cây trám, cọ, vầu, móc, trầm hương... Đó là đồi Tỉn Keo. Những ngày này khách du lịch nhộn nhịp đổ về đây hành hương. Họ đa phần là thanh niên, học sinh ở các vùng lân cận, sinh viên các trường đại học ở Thái Nguyên, Hà Nội. Nằm ở lưng đồi là chiếc lán nhỏ chiều rộng khoảng 3 m, chiều dài 6 m, mái lợp lá cọ vách thưng nứa. Đó là nơi diễn ra cuộc họp đã đi vào lịch sử. Bên thềm lán cây bông bụt tự tay Bác trồng cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn xanh tốt, tán rộng sum sê.
Lựa chọn chiến lược
Đến thu đông năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước sang năm thứ 8. Trải qua khói lửa chiến đấu, quân đội ta không ngừng trưởng thành lớn mạnh vượt bậc. Hậu phương kháng chiến được củng cố vững chắc. Trên chiến trường, thế chủ động thuộc về ta. Thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thất bại. Tháng 5-1953 Hăngri Nava, tướng bốn sao, tới Sài Gòn nhận chức Tổng Tư lệnh đội quân viễn chinh Pháp. Đây là viên tổng chỉ huy thứ bảy của Pháp kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Việt
Ngày 20, 21, 22-11-1953 quân Pháp đổ quân, vũ khí và quân cụ chiếm Điện Biên Phủ. Lính dù được chuyển đến từ Hà Nội bằng một đoàn 60 chiếc máy bay Dakota nối đuôi nhau trên bầu trời kéo dài hơn 10 km. Ngay sau đó, số quân tham chiến ở Điện Biên Phủ đã lên 16.200, 40 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, 1 tiểu đoàn công binh 10 chiếc xe tăng; giăng thành một tập đoàn cứ điểm gồm 8 trung tâm đề kháng với 49 cụm phòng thủ có hầm hào, lô cốt, dây kẽm gai, mìn bảo vệ. Ngày 29-11, Nava cùng tướng Cônhi, Tư lệnh quân viễn chinh ở Bắc Kỳ, đáp máy bay tới Điện Biên Phủ thị sát chiến trường. Ngày 3-12, từ tổng hành dinh tại Sài Gòn, Nava phát bản mật lệnh quyết định chấp nhận chiến đấu ở Tây Bắc và tập trung phòng thủ ở căn cứ Điện Biên Phủ. Tối 6-12, tại Hà Nội, tướng Cônhi mới nhận được quyết định chấp nhận chiến đấu của Tổng tư lệnh Nava. Cùng lúc ấy có lẽ chẳng ai biết rằng đã có một sự trùng hợp kỳ thú.
Quyết chiến từ đồi Tỉn Keo
Ngày 6-12-1953, đúng 16 ngày kể từ lúc quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, tại đồi Tỉn Keo, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ. Bản quyết tâm đã nêu lên những vấn đề then chốt và cụ thể. Điện Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Về binh lực và thời gian tác chiến, ta phải sử dụng 9 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không. Nếu tính cả quân số thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch, tân binh bổ sung và số quân phải bố trí để bảo đảm tuyến cung cấp thì số quân tổng quát của chiến dịch là 42.750. Thời gian chiến đấu ở Điện Biên Phủ ước tính 45 ngày. Về nhu cầu nhân lực, vật lực: Số dân công phải huy động phục vụ chiến dịch từ trung tuyến trở lên khoảng 14.500. Thực phẩm cần 100 tấn rau khô, 100 tấn thịt, 80 tấn muối chủ yếu sẽ đưa từ Thanh Hóa lên. Đạn dược cần 300 tấn, nhưng chỉ cần chuyển ra hỏa tuyến trên 170 tấn, vì có thể lấy của địch đánh địch. Kế hoạch vận chuyển, làm đường, sửa đường là công tác quan trọng nhất trong các công tác chuẩn bị chiến dịch cũng được nêu ra rất chi tiết.
Sau khi nghe báo cáo quyết tâm của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị kết luận: Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có điểm yếu cơ bản là bị cô lập, việc tiếp tế, tiếp viện đều phải dựa vào đường không. Với chất lượng được nâng cao thêm một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với những kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây đã có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển mình trong cải cách ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.
Bình luận (0)