Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu vừa ký ban hành văn bản số 3864/TLĐ-TG về hướng dẫn các cấp Công đoàn triển khai một số hoạt động trọng tâm Tháng Công nhân năm 2022.
Tại hướng dẫn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc căn cứ Kế hoạch số 156/KH-TLĐ ngày 15-12-2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lựa chọn các hoạt động, hình thức phù hợp để triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ và quy định phòng, chống dịch của địa phương.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, thăm hỏi gia đình công nhân khó khăn tại quận Tân Phú .Ảnh: CAO HƯỜNG
Theo đó, Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 được tổ chức tại thành phố Hà Nội. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị tổ chức phát động, hưởng ứng Tháng Công nhân - Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 lồng ghép với các hoạt động như: Ngày hội cảm ơn người lao động; Ngày hội sáng kiến; tôn vinh, biểu dương công nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua…
Về tổ chức chương trình "Đối thoại tháng 5", theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc và Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" để tham mưu, đề xuất để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gặp gỡ, đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, viên chức, lao động.
Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân", tạo cơ hội để người sử dụng lao động và người lao động lắng nghe, chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó, phục hồi phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Về tổ chức hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm, đảm bảo thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ, các LĐLĐ tỉnh, thành phố chủ động đề xuất, phối hợp với các ngành chức năng của địa phương để tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm. Các công đoàn cơ sở căn cứ nhu cầu tuyển dụng tại doanh nghiệp để thương lượng với người sử dụng lao động chính sách thu hút lao động và tham gia tổ chức hoạt động tuyển dụng tại doanh nghiệp.
Các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cấp Công đoàn (thuộc các địa phương được xác định tại Điều 1, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ) tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đến người lao động; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động trong thực hiện các thủ tục để nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Chủ động tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Liên đoàn yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tăng cường tuyên truyền, thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn các cấp trong việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23-3-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong quá trình thực hiện Nghị quyết này.
Bình luận (0)