Cho rằng bị Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam (trụ sở chính đặt tại huyện Quế Võ, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) xử lý kỷ luật sa thải trái pháp luật, ngày 6-5-2011, anh Nguyễn Văn Sơn (ngụ tại Đồng Nai) đã làm đơn khởi kiện gửi đến TAND quận 9, TP HCM. Sau hơn 1 năm đi lại làm các thủ tục khởi kiện, tham gia các cuộc hòa giải với công ty theo yêu cầu của tòa nhưng không thấy xét xử, ngày 21-5-2012, anh Sơn gửi đơn lên Chánh án TAND quận 9 yêu cầu đưa vụ án ra xét xử nhưng không nhận được phản hồi. Bất ngờ, ngày 4-6-2012, anh nhận được quyết định chuyển hồ sơ vụ án ra xét xử tại TAND TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Vô phúc đáo tụng đình
Lý do chuyển vụ án được TAND quận 9 nêu rõ trong quyết định chuyển hồ sơ vụ án là “bị đơn Công ty Air Liquide Việt Nam có trụ sở chính tại TP Bắc Ninh, không có chi nhánh tại quận 9 và nguyên đơn cũng không cư trú tại quận 9”.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Sơn bức xúc: “Theo xác nhận của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, công ty có nhà máy sản xuất khí công nghiệp ALV đặt tại lô I-2a Khu Công nghệ cao, quận 9. Tôi có thời gian làm việc tại đây hơn 1 năm và quyết định thi hành kỷ luật cũng được lập tại đây, do vậy việc tòa nói công ty không có chi nhánh tại quận 9 là không thuyết phục. Hơn nữa, nếu không có thẩm quyền xét xử, tại sao ngay từ đầu TAND quận 9 không sớm chuyển vụ án của tôi đến tòa án có thẩm quyền mà lại ngâm hồ sơ hơn 1 năm?”.
Nhận thấy sẽ khó theo đuổi vụ án ở Bắc Ninh vì không tiện đi lại nhiều lần, anh Sơn đã làm đơn khiếu nại gửi TAND TP Bắc Ninh yêu cầu được chuyển vụ án về xét xử tại TAND quận 9. Sau khi xác minh Công ty TNHH Air Liquide Việt Nam có nhà máy đặt tại quận 9 và nhận định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 9, ngày 21-9-2012, TAND TP Bắc Ninh đã ra quyết định chuyển vụ án về lại TAND quận 9 để xét xử. Chưa hết mừng, anh Sơn lại tiếp tục bị TAND quận 9 dội gáo nước lạnh khi cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc về TAND huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có chi nhánh công ty (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành), cũng là địa điểm làm việc được thể hiện trong hợp đồng lao động của anh Sơn. Từ lý do này, ngày 10-4-2013, TAND quận 9 tiếp tục ra quyết định chuyển vụ việc cho TAND huyện Tân Thành.
Đùn đẩy, làm khó người lao động
Sau khi thụ lý vụ án, TAND huyện Tân Thành đã 3 lần mời anh Sơn đến làm việc khiến anh tràn trề hy vọng và tin chắc rằng vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử. Thế nhưng, sau 1 năm giữ hồ sơ vụ án, ngày 10-4-2014, TAND huyện Tân Thành lại ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án trở lại TAND TP Bắc Ninh lần nữa với lý do: “Quan hệ tranh chấp giữa các bên không phát sinh từ hoạt động của chi nhánh”. Dù rất mệt mỏi với sự đùn đẩy của các tòa nhưng anh Sơn vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi TAND huyện Tân Thành. Thế nhưng, đã hơn 1 tháng kể từ ngày gửi đơn, anh vẫn chưa được hồi âm.
Nhận định về sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng: Theo điểm b khoản 1 điều 36 Bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011: “Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết”. Thực tế, anh Sơn có làm việc tại nhà máy ở quận 9, quyết định thi hành kỷ luật lao động theo hình thức sa thải cũng được tổng giám đốc công ty ký tại quận 9. Do đó, TAND quận 9 có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp này. Có thể lý do để TAND quận 9 đẩy vụ án đi là vì tuy công ty có nhà máy đặt tại quận 9 nhưng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao không xác nhận rõ nhà máy đó là chi nhánh hay địa điểm sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trường hợp nhà máy tại quận 9 không phải là chi nhánh thì TAND quận 9 cũng phải thụ lý bởi quận 9 là nơi nguyên đơn (anh Sơn) làm việc chiếu theo điểm đ khoản 1 điều 36 BLTTDS: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, BHXH, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động (NLĐ) thì nguyên đơn là NLĐ có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết”.
Tòa đã phạm luật
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc TAND quận 9 không giải quyết vụ án mà chuyển đơn lòng vòng cho các tòa án khác là không phù hợp với quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Điều 179 BLTTDS nói rõ thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án lao động tối đa không quá 3 tháng, như vậy TAND quận 9 đã vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử. “Anh Sơn có thể làm đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND quận 9 về việc TAND quận đã vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử và ra quyết định chuyển vụ án không phù hợp với quy định. Nếu không được giải quyết, anh có quyền khiếu nại tới Chánh án TAND TP HCM” - luật sư Hậu tư vấn.
Bình luận (0)