Thời gian gần đây, câu chuyện giáo dục – việc làm đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi ngày càng có nhiều trường, loại hình đào tạo được mở ra thu hút đông đảo học viên nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực do khó tuyển được ứng viên phù hợp. Xã hội đang thừa đội ngũ được đào tạo để làm “thầy” nhưng lại thiếu trầm trọng công nhân lành nghề, kỹ thuật cao, đặc biệt ở ngành cơ khí.
Nhiều doanh nghiệp công khai chỉ tuyển chọn ứng viên từ một số trường đào tạo có uy tín. Điều này một lần nữa cảnh báo với nền giáo dục sau phổ thông, cảnh tỉnh các bạn học sinh – sinh viên trong việc chọn trường, chọn ngành học. Thử làm một phép tính, ta sẽ thấy với dân số hơn 80 triệu người, đa phần là dân số trẻ và đất nước đang trong quá trình phát triển, khoảng 1/4 sử dụng các phương tiện di chuyển cá nhân và trung bình 100 người cần một thợ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện thì chúng ta biết sẽ cần bao nhiêu thợ máy phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, theo ước tính của Bộ GTVT, với mức phát triển như hiện nay, đến năm 2020, chúng ta sẽ có khoảng 36 triệu xe máy. Như thế, nhu cầu nguồn nhân lực về thợ máy sẽ tăng rất cao.
Tuy nhiên, cộng đồng vẫn chưa đánh giá cao vai trò của người thợ khi họ vẫn hình dung thợ máy là những người lấm lem dầu nhớt, ít kiến thức, thợ là sự lựa chọn sau cùng khi vào đời dù họ rất cần và tin tưởng người thợ khi phải sửa chữa các hỏng hóc, tu bổ xe cộ… Sự trân trọng dành cho người thợ còn nhạt nhòa.
Thực ra, có nhiều con đường đến với nghề thợ máy nhưng để có thể trụ vững và phát triển, người thợ phải có sự yêu nghề, niềm say mê về động cơ, xe máy. Bên cạnh đó, phải trau dồi, nâng cao kỹ thuật, học hỏi hằng ngày. Anh Nguyễn Khương Định, người đoạt giải Cờ-lê vàng năm 2010, chia sẻ: “Tôi bắt đầu bước vào nghề năm 12 tuổi, đến nay đã được 17 năm. Với tôi, sửa xe không phải là nghề bình thường như bao người vẫn nghĩ. Tôi đến với nghề bằng cả niềm đam mê, đặc biệt với sân chơi Cờ-lê vàng, tôi có dịp thể hiện niềm đam mê của mình cũng như có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những đồng nghiệp khác trên cả nước”.
Nhiều thợ máy cũng có cùng suy nghĩ: Với sự phát triển của xã hội, những người thợ máy càng phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện tay nghề, nâng cao kiến thức, kỹ năng để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Dịp quý nâng cao tay nghề Cuộc thi “Cùng BP Vistra chinh phục Cờ-lê vàng 2011” do BP Vistra tổ chức nhằm tôn vinh nghề nghiệp thầm lặng của những người thợ máy đã chính thức khởi tranh. Vòng loại cuộc thi diễn ra từ ngày 28-9 đến 18-10 thu hút hơn 11.000 thợ máy tham gia. Ban tổ chức sẽ trao các danh hiệu: Cờ-lê vàng, bạc, đồng cho những thợ máy xuất sắc nhất. Vòng chung kết hội thi sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 12-12. Đây là lần thứ tư BP Vistra tổ chức cuộc thi nhằm giúp những người thợ máy nâng cao tay nghề, đồng thời tôn vinh những đóng góp của họ đối với cộng đồng. |
Bình luận (0)