Ở Công ty Liên doanh Vifon-Acecook, phòng làm việc của anh Hoàng Cao Trí bao giờ cũng được tắt đèn muộn nhất. Dường như, với người phó tổng giám đốc vừa qua tuổi 41 này, chỉ có hai chữ: công việc.
Sáng tạo từ thực tế
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, ngành chế tạo máy năm 1987, Hoàng Cao Trí (sinh 1962) về làm tại phân xưởng cơ điện, Công ty Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) vào lúc đơn vị đang mở rộng sản xuất. Những năm đó, nhu cầu mì gói rất lớn, nhưng thiết bị của công ty không đáp ứng được do vừa thiếu, vừa cũ. Nhập dây chuyền của nước ngoài phải tốn hơn 1 triệu USD, vay vốn rất khó, hơn nữa từ lúc lập dự án đến lúc đưa được máy vào sản xuất cũng mất 7 - 8 tháng, có thể phải bỏ lỡ những cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc công ty đã giao cho phòng cơ điện do Trí phụ trách thiết kế dây chuyền mới. “Quyết tâm thì cao, nhưng cũng lo lắm. Lý thuyết học nhiều nhưng thực tế ít, thêm vào đó nguyên, vật liệu chế tạo lại hiếm” - anh Trí tâm sự. Theo chỉ dẫn của bạn bè, Trí lang thang khắp các chợ Tân Thành, Dân Sinh, Hà Tôn Quyền... tìm mua phụ kiện, thậm chí mua cả nòng pháo cũ về gia công, chế tạo cho phù hợp yêu cầu sản xuất. Hàng ngày, Trí cùng anh em trong xưởng vật lộn với các chi tiết máy, tháo, lắp, thử nghiệm và làm việc không kể giờ giấc. Sau hơn ba tháng mày mò, Trí đã cùng các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của công ty thiết kế thành công hệ thống sản xuất mì ăn liền với 6 dây chuyền năng suất 80.000 gói/ca (gấp đôi năng suất dây chuyền cũ) mà giá thành chỉ tốn hơn 1 tỉ đồng. Thành công này giúp công ty tiết kiệm gần chục tỉ đồng đầu tư thiết bị và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sản lượng mì tăng, đòi hỏi việc cung ứng phụ liệu phải tăng theo.
Để khắc phục, anh cùng các cộng sự đã thiết kế dây chuyền sấy chân không dành cho các loại rau, quả, củ không làm mất màu và giữ được mùi của nguyên liệu, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những đóng góp đó, trong những năm đầu của đổi mới, năm 1991 anh đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng.
Bước ngoặt và sự thành công
Một bước ngoặt lớn đến với Hoàng Cao Trí là vào năm 1994 khi Vifon liên doanh với Công ty Acecook của Nhật Bản, thành lập Công ty Vifon - Acecook với vốn đầu tư 4 triệu USD, anh được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc liên doanh khi vừa mới 32 tuổi. Để bổ sung kiếân thức, anh đăng ký theo học tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Vừa làm, vừa học đến năm 1996, Trí tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh. Cũng trong khoảng thời gian này, sau 3 năm thành lập, dưới sự điều hành của đối tác, liên doanh đã lỗ gần 13 tỉ đồng. Trước tình thế ngặt nghèo đó, anh Trí được phân công trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh. “Nhận nhiệm vụ mới cũng lo lắng lắm, giống như lúc nhận thiết kế dây chuyền sản xuất mì vậy”, anh Trí nói. Ở cương vị mới, Trí nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở từng vùng, miền của đất nước với giá vừa phải, đồng thời tổ chức hệ thống bán hàng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cũng chính từ đó, Công ty Vifon - Acecook rẽ qua một bước ngoặt mới. Từ 1997 đến 1999, mức tiêu thụ sản phẩm tăng hàng năm 150%, doanh số tăng từ 59 tỉ đồng lên 120 tỉ đồng, và số nợ gần 13 tỉ đồng cũng được trả hết vào cuối năm 1999. Trên đà phát triển, Trí đã đề xuất tăng vốn đầu tư lên 6 triệu USD, mở rộng sản xuất từ 1 lên 8 dây chuyền với năng lực hơn 20 triệu thùng mì/năm, tăng 7 lần so với lúc mới ra đời. Đến nay những sản phẩm quen thuộc như: mì Hảo Hảo, mì Hoành thánh, mì Kim chi... của Vifon - Acecook chiếm được thị phần khá ở trong nước và có mặt ở gần 20 nước khắp 5 châu lục. Doanh thu năm 2002 của công ty ước tính đạt 625 tỉ đồng, lợi nhuận 25 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 22 tỉ đồng. Sự phát triển của công ty đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 1.250 lao động với thu nhập bình quân 1,95 triệu đồng/người/tháng và họ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn. Đặc biệt, những lao động giỏi của công ty được đưa đi đào tạo trong, ngoài nước. Rõ ràng trong thành quả chung đó của công ty, vai trò tác động và công sức của anh Hoàng Cao Trí là rất lớn.
Quan tâm hoạt động đoàn thể
Điều không thể không nói đến, bằng uy tín của mình, anh Trí đã thuyết phục đối tác để thành lập chi bộ trong công ty, đến nay chi bộ đã phát triển được 10 đảng viên và sinh hoạt đều đặn. Anh còn đề nghị đối tác Nhật Bản mỗi năm ủng hộ cho Công đoàn công ty 300 triệu đồng làm kinh phí hoạt động và mỗi người làm công tác đoàn thể được phụ cấp từ 150.000 đồng đến 450.000 đồng/tháng. Không chỉ lo nghĩ cho riêng mình, anh còn góp phần kèm cặp, giúp đỡ đội ngũ kỹ sư, cán bộ trẻ cho liên doanh. Anh Trần Đỗ Khanh, trưởng phòng marketing, Công ty Vifon – Acecook, nói: “Trong sự thành công của tôi hôm nay, có sự tận tình chỉ bảo của anh Trí”. Từ 1 trưởng ca và 2 kỹ sư công nghệ ban đầu, đến nay liên doanh đã có gần 150 kỹ sư, toàn bộ công nhân của công ty đều tốt nghiệp PTTH. Theo anh Trí, cơ hội có mọi lúc, mọi nơi. Điều quan trọng là phải trau dồi kiến thức, biết tập hợp trí tuệ của tập thể để phát hiện, nắm bắt kịp thời. Để thành công, mỗi doanh nghiệp cần phải tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội chứ không phải theo ý thích chủ quan.
Bình luận (0)