Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được rất nhiều đơn thư của người lao động (NLĐ) khiếu nại về việc doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Nhiều trường hợp nghỉ việc đã lâu nhưng chưa nhận được quyết định thôi việc, chưa được chốt sổ BHXH và hưởng chế độ thất nghiệp. Theo BHXH TP HCM, năm 2013 tổng số tiền nợ của các DN là 1.104,4 tỉ đồng.
Người lao động lãnh đủ
Khi chúng tôi liên hệ với các đơn vị thì đều nhận được câu trả lời do sản xuất kinh doanh khó khăn, nợ BHXH nên chưa thể chốt sổ cho NLĐ. Đơn cử như trường hợp tại Công ty TNHH Văn phòng phẩm Bút bi Bến Nghé. Do công ty nợ BHXH nên khi nghỉ thai sản một số nữ nhân viên không được hưởng trợ cấp thai sản. Nhận được đơn khiếu nại của NLĐ, trưởng phòng nhân sự của công ty đề nghị NLĐ khởi kiện ra tòa đòi sổ BHXH. Vị này nói rằng chỉ có thông qua con đường đó, công ty mới có thể xin cơ quan BHXH truy nộp riêng cho NLĐ, sau đó mới chốt sổ được.
Gần đây nhất, một số NLĐ từng làm việc tại Công ty TNHH Nước khoáng Mai Linh đã gửi đơn đến Báo Người Lao Động phản ánh họ nghỉ việc gần 1 năm nay nhưng chưa nhận được tiền trợ cấp thôi việc, sổ BHXH và BHTN. Chúng tôi nhiều lần tìm cách liên hệ với giám đốc công ty nhưng không được. Qua tìm hiểu tại BHXH TP, được biết Tập đoàn Mai Linh đang dẫn đầu danh sách các DN nợ BHXH, đã có phán quyết của tòa, vẫn còn hoạt động nhưng DN này không thi hành án với số tiền nợ hơn 80 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Bạch - Trưởng Phòng LĐ-TB-XH quận Bình Tân, TP HCM - cho biết: Các cuộc tranh chấp lao động cá nhân trên địa bàn quận chủ yếu liên quan đến nợ BHXH. Nhiều DN gặp khó khăn không có khả năng thanh toán khiến NLĐ thiệt thòi. Có trường hợp NLĐ sinh con được gần 1 tuổi nhưng vẫn chưa được nhận tiền thai sản. Hiện toàn quận có 831 DN nợ BHXH với số tiền 52,2 tỉ đồng.
Cần xử phạt kịp thời
Để giảm tỉ lệ nợ đọng và tạo điều kiện cho các DN thực sự gặp khó khăn khắc phục từng bước tiền nợ, giải quyết chế độ cho NLĐ nghỉ việc, năm 2013, BHXH TP HCM đã giải quyết cho DN đóng trước tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN và lãi chậm đóng của NLĐ nghỉ việc để chốt sổ, đồng thời thanh toán tiền nợ quỹ BHYT (4,5%) và quỹ BHXH ngắn hạn (4%) để gia hạn thẻ BHYT và bảo đảm quyền lợi của những lao động đang làm việc. Thế nhưng, tình hình nợ cũng không cải thiện là bao.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng Thu BHXH TP, cho biết công tác thu hồi nợ BHXH rất khó khăn. Nhiều DN cố tình trốn tránh, không tiếp, không ký giấy xác nhận công nợ. Bên cạnh đó, khi thi hành án, nguyên đơn là BHXH phải chứng minh tài sản của DN nhưng cơ quan BHXH không nắm được hoặc không có căn cứ để xác định. “Nếu có, chỉ nắm được số tài khoản đang giao dịch và địa chỉ trụ sở theo đăng ký. Nhưng thực tế DN có thể có rất nhiều tài khoản, địa chỉ trụ sở chỉ đi thuê… nên có trường hợp chưa kịp thi hành án thì DN đã biến mất” - bà Hồng Hạnh chia sẻ.
Theo ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP, cái gốc của vấn đề nợ BHXH là pháp luật chưa đủ sức răn đe và việc xử phạt chưa kịp thời. Ông Khánh cho rằng Chính phủ nên giao thêm chức năng thanh tra, xử phạt đối với những trường hợp vi phạm nhẹ hoặc mới vi phạm cho cơ quan BHXH để xử lý kịp thời. Những trường hợp vi phạm nặng hoặc tái phạm ảnh hưởng đến số đông NLĐ, cơ quan BHXH sẽ lập biên bản chuyển cho cơ quan thanh tra lao động xử lý nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, ngăn ngừa nợ phát sinh từ nhỏ thành lớn, dẫn đến dây dưa, kéo dài, nợ đọng...
Chuẩn bị khởi kiện hơn 700 doanh nghiệp
BHXH TP HCM cho biết đang hoàn tất thủ tục khởi kiện hơn 700 DN nợ BHXH. Trong đó có một số DN có khoản nợ lớn như: Công ty TNHH SX-TM-DV Kim Liên Thành (quận Tân Phú - hơn 3 tỉ đồng); Công ty TNHH Merkeva - Kim Thành
(quận Thủ Đức - hơn 3 tỉ đồng); Công ty Việt Thắng Jean (quận 9 - hơn 2 tỉ đồng); Công ty TNHH MTV PIA Toàn Cầu (quận 12 - hơn 2 tỉ đồng); Công ty TNHH Sơn Hải (quận Tân Bình - hơn 2 tỉ đồng); Nhóm Mua (quận 1 - 1,8 tỉ đồng); Công ty CP Xây dựng và Sản xuất VLXD (quận 1 - 1,7 tỉ đồng); Công ty CP Lai dắt và Vận tải Chim Ưng (quận 4 - 1,8 tỉ đồng)...
Bình luận (0)