Nằm giữa vùng đồi gò, bán sơn địa hoang hóa nhưng trang trại nuôi gà rừng của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi, ngụ thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) 7 năm nay đã cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Mỗi năm, anh còn xuất đều đặn hơn 150 con gà rừng giống và gà cảnh trưởng thành ra thị trường, thu về hơn 70 triệu đồng. Ở Duy Xuyên, anh Hà nổi tiếng với mô hình nuôi thuần hóa gà rừng.
Chắt chiu cơ hội làm giàu
Phải rất vất vả chúng tôi mới đến được nhà anh Hà - nằm bên một ngọn đồi ở thôn Trà Kiệu Tây. “Mình rất may mắn khi đến với nghề nuôi gà rừng. Nhưng để có thể nắm bắt cơ hội thành công và làm giàu từ loài vật này, người nuôi ngoài đam mê còn phải có kiến thức về gà rừng” - anh Hà thổ lộ.
Cái duyên để anh Hà bắt đầu quá trình thuần hóa giống gà rừng ở vùng đồi gò hoang hóa như một câu chuyện cổ tích. Từ nhỏ, anh Hà rất mê các loại chim rừng, nhất những con gà rừng có tai trắng, chân chì với màu lông tía sặc sỡ. Tháng 4-2002, trong một lần phát cỏ dại gần nhà, anh Hà tình cờ nhặt được 7 quả trứng gà rừng. Mừng như bắt được vàng, anh nhanh chóng chạy về nhà và cho ấp cùng với ổ gà mái, chờ ngày gà rừng nở. Lúc này, anh Hà nhen nhóm hy vọng nuôi gà rừng ngay tại vườn nhà. Khi 3 trong số 7 quả trứng gà rừng nở, anh mừng khôn xiết bởi ước mơ nhân giống và thuần hóa gà rừng sắp thành hiện thực. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh Hà chịu khó tìm mua sách báo và đọc tài liệu liên quan đến việc nuôi gà rừng và các loài vật có đặc tính gần giống để tìm ra cách nuôi phù hợp. Để giúp gà rừng quen dần với cách nuôi thả vườn, ban đầu anh nhốt từng lồng riêng sát mé rừng, sau đó mới thả rông. Thức ăn chủ yếu cho gà rừng là cỏ, côn trùng và thóc.
Được chăm sóc tốt, lại được nuôi trong môi trường thoáng đãng nên gà rừng phát triển khá tốt. Ngoài 2 con mái và 1 con trống có sẵn, anh còn tranh thủ tìm mua lại gà rừng từ những thợ săn để gầy đàn. Ban đầu, anh chỉ nuôi gà rừng làm cảnh song nhiều khách vẫn tìm đến đặt mua do gà rừng có dáng vẻ đẹp và khỏe mạnh. “Thực tế, lúc đó tôi nuôi gà chỉ để thỏa đam mê chứ chưa có ý định kinh doanh. Hằng ngày, tôi vẫn phải tranh thủ nghề tài xế để có đồng vô, đồng ra” - anh Hà chia sẻ.
Bảo tồn giống gà quý
Theo anh Hà, vì gà rừng cảnh thường là con trống với bộ lông tía sặc sỡ, tai trắng, cựa nhọn, chân chì và thon lại gáy hay nên dễ hút hồn mọi dân chơi, giá bán vì thế mà tăng theo.
Chịu khó tìm hiểu thị trường và nắm bắt thị hiếu của khách hàng, năm 2007, anh Hà thôi lái xe tải thuê, về nhà chuyên tâm mở trang trại nuôi gà rừng theo hướng bán công nghiệp. Ngoài tăng diện tích chuồng nuôi lên gần 50 m2, anh Hà quyết tâm chuyển đổi đàn gà cảnh dần thành đàn gà giống chất lượng tốt. Để bảo đảm cho đàn gà có sức đề kháng tốt, anh thường lấy rượu ngâm rết nhỏ vào miệng gà. Cách chăm sóc dân gian này giúp đàn gà rừng đủ sức chống chọi bệnh dịch và tăng trưởng nhanh. Hơn 12 năm nuôi gà rừng, chưa khi nào anh gặp cảnh gà bị dịch hay gà chết bất thường. Với cách nuôi thả vườn khoa học (gà trống, mái kết hợp) cộng với việc áp dụng chế độ ăn tự nhiên, chủ yếu là tận dụng cỏ và côn trùng, anh Hà liên tiếp gặt hái thành công trong việc thuần hóa và nhân giống gà rừng. “Gà mái thường đẻ từ 7-9 trứng (10 ngày). Đặc biệt, gà con khi nở ra có khả năng sống cao và kháng dịch tốt. Mỗi lứa gà trưởng thành các loại sau 4 tháng nuôi là có thể xuất bán” - anh Hà cho biết. Giá gà mái cảnh trưởng thành hiện nay khoảng 600.000 đồng/con; gà trống cảnh trên 1 triệu đồng/cặp. Đối với gà sinh sản, hiện có giá hơn 1,6 triệu đồng/cặp; gà 3 tháng tuổi là 500.000/cặp...
Thị trường đang khan hiếm nguồn gà rừng lấy thịt nhưng anh Phạm Văn Hà cho biết anh chưa mạnh dạn nuôi vì giá cả còn thấp, lợi nhuận không cao như gà giống và gà cảnh.
Với việc thuần hóa thành công gà rừng quý hiếm, anh Hà đã góp phần khắc phục tình trạng sụt giảm số lượng gà rừng tự nhiên do tình trạng săn bắt vô tội vạ. Anh cho biết luôn sẵn lòng giúp đỡ về con giống và kỹ thuật cho những ai có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi gà rừng.
Bình luận (0)