Những tấm gương của nhiều lớp học trò
TS Dũng nói: “Tôi bắt đầu và kết thúc một ngày của mình bằng việc học: nghe, đọc, viết, nghiên cứu, tìm kiếm... Nếu có một lời khuyên cho các em sinh viên thì tôi sẽ nói với các em rằng, chìa khóa để mở cửa tri thức là ngoại ngữ, khi đã mở được cửa rồi thì phải biết cách biến tri thức của chung thành của riêng mình”. Với 33 bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học ở nước ngoài và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, ông đã trở thành tấm gương cho nhiều lớp học trò noi theo. PGS-TS Thái Bá Cần, phó hiệu trưởng trường, nhận xét: “Nghe thì dễ, nhưng với nhiều cán bộ giảng dạy, nhất là những người đã có gia đình thì việc học tập đòi hỏi sự nỗ lực, hy sinh mà không phải ai cũng có thể vượt qua”. Điều đó đã được TS Nguyễn Hoài Sơn đúc kết: Đối với ông, việc nâng cao trình độ đã trở thành tự giác. Nguyên nhân thúc đẩy ông học tập thật giản dị: Học để đứng vững trên bục giảng, trả ơn cha mẹ sinh thành và làm gương cho các con. Với động lực, mục tiêu ấy, nên dù cuộc sống gia đình với 4 con còn đang tuổi ăn học trở thành gánh nặng nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi việc học. Song, với ông, chính những nữ đồng nghiệp như TS Nguyễn Thị Ngọc Đào, Võ Thị Xuân mới “xứng đáng được tôn vinh vì những gánh nặng mà họ phải đeo mang không có đại lượng để cân, đong, đo, đếm”.
10 năm, lớn mạnh không ngừng
Ông Bùi Văn Học, Chủ tịch CĐ trường, cho biết 10 năm qua có 478 lượt cán bộ, công chức tham gia học các chương trình đào tạo thạc sĩ, ngoại ngữ, tin học, bằng đại học thứ hai... Có 7 người đạt học vị TS và 110 người có bằng thạc sĩ. Nếu như năm 1992 chỉ có 4 thạc sĩ thì nay con số ấy đã tăng gần 30 lần. Hiện còn 16 nghiên cứu sinh, 50 người học cao học trong và ngoài nước. Ông Học cho rằng, đó là kết quả của một quá trình đấu tranh đầy khó khăn để vượt lên chính mình của tập thể cán bộ, giảng viên. Từ chủ trương, biện pháp đến tổ chức thực hiện đều có sự nhất quán, đồng bộ từ Đảng ủy, ban giám hiệu, CĐ, Đoàn Thanh niên... Ông Bùi Huy Huỳnh, Bí thư Đảng ủy, cho biết thêm: Việc chuẩn hóa đội ngũ vừa là tự giác song cũng mang tính bắt buộc. Ngoài nghị quyết của Đảng, nhà trường còn đề ra 7 biện pháp khuyến khích vật chất, CĐ lập quỹ khuyến học, khen thưởng... Đối với cán bộ giảng dạy dưới 40 tuổi thì bắt buộc phải học tập.
Còn nhiều thách thức
TS Thái Bá Cần cho rằng, không nâng mình lên là tự đào thải. 10 năm qua, tuy đội ngũ có lớn mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhà trường. Nhiều giảng viên đã quá tải, có người phải dạy trên 1.000 tiết/học kỳ. Một thách thức khác của nhà trường là lực lượng cán bộ giảng dạy chỉ có 14 TS, 3 PGS, trong khi nhu cầu phải gấp đôi con số ấy. Ông Bùi Văn Học cho biết, sắp tới CĐ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, khen thưởng nhiều hơn để khuyến khích cán bộ, giảng viên nâng cao trình độ. Nhà trường sẽ có biện pháp gắn việc đào tạo bồi dưỡng với quy hoạch; song song với việc định chuẩn về chất lượng, số lượng, nhiệm vụ đối với từng cá nhân. Về lâu dài, sẽ tăng cường tạo lập, củng cố các mối quan hệ trong và ngoài nước để hợp tác đào tạo; tuyển dụng số sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi để đào tạo nâng cao và có chính sách thu hút nhân tài. “Ngay trong quý II/2003, trường sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng đội ngũ nhằm tìm biện pháp tích cực tăng nhanh đội ngũ có trình độ sau đại học” - Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đức cho biết như vậy.
Bình luận (0)