Chiều 26-4, Viện Công nhân và Công đoàn (CNCĐ)- Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh". Hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận cao việc phải tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động (CNLĐ) và không nên trì hoãn, lùi thời điểm tăng lương.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa "chốt" tăng mức lương tối thiểu vùng 6% sau gần 2 năm "lỗi hẹn" với người lao động (NLĐ). Tuy nhiên thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh mối quan hệ giữa tăng lương và phục hồi, phát triển kinh tế.
Các đại biểu phát biể tại hội thảo- video: Văn Duẩn
Theo ông Hiểu, trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động và NLĐ cùng đang gặp khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. "Dù tăng lương là tăng chi phí cho DN nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp NLĐ có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn".
TS Vũ Quang Thọ- nguyên viện trưởng Viện CNCĐ đã rơm rớm nước mắt khi nói về tình cảnh, đời sống của CNLĐ. "Chúng ta cứ nhìn trên truyền hình, những đoàn xe máy chở công nhân rồng rắn về quê hoặc đến một khu công nghiệp khác để mưu sinh trong thời gian diễn ra đại dịch covid-19... Tài sản của người CNLĐ có gì ngoài vợ con họ đang ngồi đằng sau và cái xe máy chở bao tải gồm tư trang, quần áo?"- ông Thọ nghẹn lời và cho rằng không nên lùi thời điểm tăng lương cho CNLĐ.
TS Vũ Quang Thọ- nguyên viện trưởng Viện CNCĐ phát biểu
Còn theo TS Đỗ Quỳnh Chi- Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, "việc trả mức lương đủ sống cho NLĐ là vấn đề "sống còn" đối với DN". Bà chi cho rằng đôi khi các bên nhìn nhận vấn đề tăng lương theo kiểu thắng – thua, chứ không phải là hai bên cùng thắng theo kiểu "NLĐ được hưởng mức lương cao hơn và DN cũng được hưởng lợi nhiều hơn". Nữ chuyên gia cũng phân tích rằng trong 2 năm đại dịch, không ai có thể phủ nhận những nỗi khổ của CNLĐ. "Nỗi khổ ấy không chỉ về vật chất, kinh tế, sức khỏe mà tinh thần cũng bị kiệt quệ khi một khảo sát của chúng tôi vào tháng 9-2021 cho thấy tỉ lệ bị bạo lực gia đình trong công nhân may, giày da tăng gấp đôi so với trước đó. Điều này rất kinh khủng, đó là lí do vì sao sau khi ở miền Nam dỡ bỏ Chỉ thị 16 thì có hàng loạt công nhân bỏ về quê. Việc công nhân có trở lại nhà máy hay không phụ thuộc vào đối xử của DN với công nhân trong thời gian địch cũng như thời gian sắp tới".
TS Đỗ Quỳnh Chi- Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động
TS Vũ Minh Tiến- Viện trưởng Viện CNCĐ cho biết điều tra năm 2021 của Viện CNCĐ cho thấy có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1- 2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền. Đối với lao động nhập cư, để bảo đảm cuộc sống, 11,2% NLĐ cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền; 35,6% thỉnh thoảng (từ 3 - 4 tháng/lần) phải đi vay. Bên cạnh đó có hơn 21 số người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.
TS Vũ Minh Tiến- Viện trưởng Viện CNCĐ phát biểu
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của CNLĐ năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 3-2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của CNLĐ chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.
"Có lẽ ai cũng hiểu một điều đơn giản, CNLĐ phải được bảo đảm cuộc sống – sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống. Do đó họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ. Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của họ thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho DN"- TS Vũ Minh Tiến nói.
Bình luận (0)