Kết quả cắt giảm hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến BHXH, BHYT và BHTN từ 115 hiện chỉ còn 33 thủ tục; số lượng hồ sơ, biểu mẫu, tờ khai giảm 56% so với trước.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, việc thực hiện Luật BHXH vẫn còn vướng mắc khi nhiều chi tiết của luật chưa có văn bản hướng dẫn. Trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH, phá sản, bỏ trốn, mất tích... vẫn chưa có hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động. Bên cạnh đó, tình trạng ký kết hợp đồng lao động dưới 3 tháng để trốn đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Việc lạm dụng để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản ngày càng tinh vi. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng ăn chặn tiền trợ cấp của người lao động.
Đối với việc khám chữa bệnh BHYT, trong 5 tháng đầu năm 2016 đạt 50,3 triệu lượt, tăng 11%. Đáng chú ý, nhiều tỉnh có số chi rất cao như Vĩnh Phúc đạt 122% kế hoạch cả năm chỉ trong 5 tháng.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho biết qua hơn 5 tháng thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh đã tạo thuận lợi cho người dân được bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến tình trạng sụt giảm lượng người đến khám chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã, phường và làm quá tải các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là các bệnh viện được đầu tư trang bị mới, hiện đại.
BHXH Việt Nam cho biết từ ngày 1-7 sẽ tiến hành hòa mạng, liên thông, kết nối dữ liệu từ tất cả cơ sở khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH trên toàn quốc. Các cơ sở không tiến hành liên thông, kết xuất dữ liệu sẽ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Bình luận (0)