Hành trang của mọi thế hệ
Mở đầu bài thi của mình, chị Lương Thị Châm ở Công ty Dệt Việt Thắng, viết: “Bác Hồ của chúng ta đã đi xa nhưng sự nghiệp và tư tưởng của Người vẫn soi sáng đường chúng ta đi. Tư tưởng của Người là hành trang không thể thiếu đối với các thế hệ trong thời đại Hồ Chí Minh và các thế hệ mai sau”. Và chị cho biết: “Tôi tâm đắc rất nhiều điều khi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh và có ấn tượng sâu xa về những điều Người dạy Đảng và Nhà Nước phải luôn chăm lo cho dân. Tôi nhớ mãi lời của Người: “Chính quyền từ trung ương đến cơ sở đều do dân bầu ra, vì nhân dân mà phục vụ”. Tiếc rằng có một số quan chức đã quên lời dạy đó!” cũng có những ghi nhận xúc động.
Các bạn CNLĐ ở Công ty May Việt Tiến lại có tâm đắc khác. Trong đội tuyển 5 người, các bạn đã phân tích chủ đề: “Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện ở lòng yêu thương con người và yêu thương nhân dân”. Những dẫn chứng để phân tích chủ đề này của anh Võ Việt Dũng cho thấy các bạn CNLĐ ở đây không những đọc sách rất kỹ mà còn thuộc cả thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Viễn Phương... Tư tưởng thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức của Bác được các bạn nghiên cứu kỹ và thuyết minh bằng các dẫn chứng đầy sức thuyết phục qua cuộc đời cách mạng của Người.
Có tự giác mới có sức mạnh
Trên địa bàn quận 5, LĐLĐ quận cũng đã tổ chức hội thi: “Tìm hiểu tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”. Đã có 3.345 bài thi tham dự cuộc thi này. Chủ tịch LĐLĐ quận 5 Trương Thị Cẩm Lai nói hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị của CNLĐ toàn quận. Tất nhiên để tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đi vào mọi giới, mọi thành phần xã hội là công cuộc lâu dài, thường xuyên và phải thông qua nhiều hình thức. Ông Trần Quốc Huy – Ủy viên Thường vụ Thành ủy - Bí thư Quận ủy quận 5, cho rằng: “Học tập và tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là nó phải trở thành tính tự giác của mỗi người. Có như vậy tư tưởng của Bác mới trở thành sức mạnh vật chất cho riêng mình, trên bước đường cống hiến cho dân, cho nước”.
Tại nhiều cuộc tọa đàm ở Ủy ban MTTQ TPHCM, nhiều trí thức, nhân sĩ đều chỉ rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân đã được thể hiện rõ trong Điều 1 của Hiến pháp năm 1946 do Người làm trưởng ban soạn thảo đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái, trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Và hiến pháp đầu tiên này cũng quy định: “Những việc quan hệ với vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết”. Điều đó ngay từ khi thành lập nước, Bác Hồ đã sớm đề ra chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp ở nước ta và trên thế giới.
Học để soi rọi thực tiễn
Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc đã có lần phát biểu tại diễn đàn Quốc hội đại ý rằng, trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, mỗi khi Đảng và dân tộc ta đối diện thách thức trên đường phát triển, nếu học kỹ điều Bác dạy đều tìm ra lời giải. Đó là sự thật, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giúp chúng ta soi rọi thực tiễn. Tâm đắc với ý kiến này, tại hội thi “Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh” do Quận ủy quận 3 tổ chức cuối tháng qua, ông Trần Văn Thận, Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy, nói: “Việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân không chỉ là yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mà còn là tình cảm của nhân dân ta đối với Bác. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức”.
Bình luận (0)