Để cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” đạt được thành công, phải giải quyết cho được 3 vấn đề: Công khai hóa và dân chủ hóa, đề cao lòng yêu nghề ở mỗi giáo viên (GV) và xây dựng cơ chế quản lý nhà trường một cách toàn diện”. Đó là kinh nghiệm của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6-TPHCM) được đúc kết tại hội nghị 10 năm thực hiện cuộc vận động trên do Công đoàn (CĐ) ngành giáo dục TPHCM vừa tổ chức.
Công khai, dân chủ là linh hồn của kỷ cương
Đây là quan điểm của Ban Giám hiệu (BGH) Trường THPT Mạc Đĩnh Chi khi triển khai thực hiện cuộc vận động do CĐ ngành phát động. Theo ông Nguyễn Thiện Minh, Hiệu trưởng nhà trường, kỷ cương phải được xem như một bộ luật thu nhỏ mà tất cả GV và công nhân viên (CNV) phải thực hiện một cách nghiêm túc. Trên tinh thần này, ngoài quy chế dân chủ ở cơ sở, hằng năm, BGH trường còn phát hành cẩm nang “Những điều cần biết” đến từng GV với các nội dung như: quy chế chuyên môn, các chế độ chính sách có liên quan, kế hoạch năm học, các chỉ tiêu phấn đấu, quyền lợi và nghĩa vụ của từng thành viên, đặc biệt là công khai hóa về tài chính, thi đua, tuyển sinh, đề bạt cán bộ, chế độ lễ và thưởng Tết. Nhờ thực hiện tốt kỷ cương nên nội bộ trường luôn có sự đoàn kết cao và luôn hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Mười năm liền, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đạt danh hiệu tiên tiến; hiệu quả đào tạo bình quân 88,92%; tỉ lệ tốt nghiệp bình quân 95,1% là thực tế chứng minh rõ nét kết quả của công khai và dân chủ.
Hài hòa các mối quan hệ
Từ khi có cuộc vận động, BGH nhà trường tập trung xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh trên nền tảng của 3 mối quan hệ là thầy - thầy, thầy - trò, trò - trò. Qua duy trì sinh hoạt chuyên môn, nhiều GV trẻ đã trở thành GV giỏi như cô Nguyễn Thị Thiện Hạnh, Hồ Thị Thanh Nhựt, thầy Trần Văn Việt... Đối với đội ngũ GV của trường, người đi trước “rước” người đi sau, không chỉ là bổn phận mà còn là trách nhiệm. Đồng thời, từng thầy cô giáo luôn phấn đấu vượt qua chính mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đã có thầy cô đạt trình độ thạc sĩ, nhiều thầy cô có thêm bằng đại học thứ hai để bổ trợ chuyên môn. BGH nhà trường cũng luôn lắng nghe và tạo điều kiện cho học sinh bày tỏ ý kiến của mình về nhà trường, thầy cô, bạn bè. Nhiều GV đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao qua việc tổ chức phụ đạo miễn phí ngoài giờ cho học sinh với mong muốn các em đạt kết quả cao trong học tập. Nhờ đó, 10 năm qua, nhiều tập thể lớp đỗ tú tài 100% và nhiều học sinh đỗ đại học. Quan hệ giữa “trò và trò” được thể hiện rõ nét qua phong trào nuôi heo đất giúp bạn vượt khó với hàng ngàn học bổng trị giá trên 600 triệu đồng.
Dấu ấn của tổ chức CĐ
Hiện toàn trường có trên 40% CB-GV-CNV đạt danh hiệu lao động giỏi, trong số đó có nhiều người là GV giỏi, chiến sĩ thi đua cấp TP. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch CĐ ngành giáo dục TP, thành quả của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi đạt được trong 10 năm qua có dấu ấn rõ nét của CĐ cơ sở, tác động lớn đến quá trình quản lý dạy và học. CĐ và Ban Thanh tra nhân dân nhà trường đã hỗ trợ BGH trong việc quản lý việc dạy thêm; cấp phép cho GV đủ điều kiện dạy thêm ngoài trường. Mục tiêu chăm lo, bảo vệ người lao động được CĐ nhà trường khéo léo vận dụng và thể hiện một cách linh hoạt thông qua các hoạt động: Tham mưu cho BGH trong việc phân chia quỹ phúc lợi, tặng tiền lễ, Tết và duy trì việc thăm hỏi GV có hoàn cảnh khó khăn (từ 5 đến 10 triệu đồng/lần). Hiện thu nhập bình quân CB-GV-CNV đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng; phúc lợi hằng năm hơn 5 triệu đồng/người. Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch CĐ Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, nói: “Dựa vào đặc điểm tình hình của nhà trường và nhiệm vụ của năm học, chi bộ, CĐ và BGH đã cụ thể hóa những nội dung cơ bản của cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”. Các nội dung này được thảo luận từ cấp tổ CĐ, trước khi thông qua tại hội nghị cán bộ công chức”.
Bình luận (0)