Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Trong chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề "Bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp và công nhân'' do Công đoàn Viên chức TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, góp ý đề xuất này, bà Võ Thị Huỳnh Trâm, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sonion Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra lý do NLĐ rút BHXH là do tuổi nghỉ hưu quá cao. Thực tế, rất nhiều NLĐ đủ năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nhận lương hưu và phải chờ lĩnh lương hưu quá lâu nên tranh thủ nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cũng có cùng nhận định trên. Bạn đọc Trần Đạt bày tỏ: "Vì sao lại ép quy định 60 tuổi với nữ 62 tuổi với nam mới được hưởng hưu và tỉ lệ bị khống chế 75% mức tiền đóng chia trung bình cho cả 35 năm tham gia? Nếu nếu hạ xuống 15 năm đóng thì người lao động cũng rút một lần. Theo tôi, nên giảm tuổi hưu xuống nam 57 nữ 55 và đóng đủ 20 thì người lao động chọn hưởng hưu hay rút một lần".
Một bạn đọc tên Trung ấm ức: "Tôi đi làm lúc 17 tuổi khi đó quy định đủ 30 năm công tác là được nghỉ hưu và tiền lương hưu tính bằng bậc lương năm trước khi nghỉ. Bây giờ tôi 50 tuổi, theo đúng chế độ lúc tôi bắt đầu tham gia bảo hiểm thì tôi đã lãnh lương hưu được 3 năm. Nhưng chế độ lại thay đổi đóng đủ 35 năm bảo hiểm và 62 tuổi mới được nghỉ hưu. BHXH là phải cho người lao động thấy mình được hưởng gì khi bắt đầu thăm gia bảo hiểm chứ không phải đến lúc nghỉ mới biết thì không thể thay đổi được".
Bạn đọc Trần Quang Huy đặt câu hỏi: "Nguyên tắc của bảo hiểm có đóng và có hưởng, vậy sao không khống chế đóng 20 năm sẽ được hưởng 45%, khi đạt 52 tuổi. Khi chưa đạt 52 tổi thì mỗi năm trừ 2%. Nếu đóng trên 20 thì cứ mỗi năm cộng thêm 2%, tối đa không quá 70%".
Với bạn đọc Phạm Đức Minh, ban soạn thảo Luật BHXH nên điều tra. khảo sát các doanh nghiệp nào và có báo nhiêu doanh nghiệp nhận lao động phổ thông từ 45 tuổi trở lên. "Người lao động đóng trên 20 năm BHXH thì để họ tự quyết tùy vào điều kiện sức khỏe. Nên sửa luật theo hướng đóng 20 năm hưởng 40% với những người 45 tuổi trở lên và cứ thế cộng thêm 2% mỗi năm. Nên có nhiều lựa chọn cho người lao động" - bạn đọc Phạm Đức Minh bày tỏ.
Bạn đọc tên Bình góp ý: "Vấn đề BHXH là vấn đề lớn tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Báo Người Lao Động đã có rất nhiều bài viết đồng hành cùng người lao động. Người Lao động rất cần Đảng, Quốc hội đồng hành cùng người dân, đảm bảo sự công bằng, đời sống của người lao động nói riêng và người dân nói chung, cần quyết sách ngay chỉnh sửa hợp tình hợp lý".
Nguyễn Như Quỹ chia sẻ: "Thử hỏi công nhân như chúng tôi làm ca kíp 12 tiếng một ngày, trong điều kiện khói bụi,tiếng ồn lớn, liệu có trụ nổi đến 50 tuổi để cầm sổ hưu, mà có trụ được thì cầm sổ được mấy năm thì chết, trong khi giờ bệnh tật càng trẻ hóa. Bảo giảm năm đóng BHXH để tạo điều kiện cho người tham gia muộn và không liên tục, thử hỏi có doanh nghiệp nào muốn nhận người khi đã có tuổi? Chúng tôi chỉ ước giảm tuổi 55 đối với nam, 50 với nữ.
Bạn đọc Trần Quang Huy góp ý: "Người đóng bảo hiểm đủ 20 năm mà nghỉ hưu thì có thể hưởng từ năm 38 - 42 tuổi thì lâu quá. Nhưng đợi đến 62 thì chờ sao được khoảng 20 năm. Theo tôi, đã đóng bảo hiểm từ 20 năm trở lên và đạt độ tuổi từ từ 52 tuổi trở lên thì được hưởng 50%. Nếu thiếu tuổi thì mỗi tuổi trừ đi 2%. Nếu trên 20 năm thì cứ mỗi năm cộng thêm 2%. Mức cao nhất không quá 70% tổng lương 5 năm cuối trước khi nghỉ việc. Theo một bạn đọc tên Danh, tuổi hưu là mấu chốt của mọi vấn đề cần giải quyết. Thực tế, có rất ít lao động chân tay đóng được 35 năm BHXH. Do vật, nên chốt là người lao động chân tay bất cứ nam hay nữ ai đã đóng đủ 30 năm BHXH thì mặc định hưởng lương hưu không cần điều kiện gì kèm theo.
Bạn đọc Hường Huỳnh đề xuất phương án: "Nếu không thay đổi luật thì nên có văn bản dưới luật hướng dẫn để giải quyết thỏa đáng theo nguyện vọng người lao động. Để người lao động quyết định tuổi nghỉ hưu khi đã đóng 20 năm bảo hiểm tuổi đời 50 tuổi trở lên còn về phần trăm thì nhà nước qui định hợp lý là khả thi".
Không nên quy định cứng tuổi nghỉ hưu
Theo nhiều bạn đọc, nếu có quy định, có chính sách bảo đảm được việc làm cho người lao động đến 62 tuổi thì hãy quy định tuổi lĩnh lương hưu là 62 tuổi. Còn nếu không có chính sách bảo đảm được công việc thì không nên quy định cứng tuổi nghỉ hưu. Làm việc và nghỉ ngơi là quyền tự do của mỗi cá nhân. "BHXH nên sửa theo hướng đóng 15 năm thì được hưởng lương hưu bao nhiêu % trong 5 hay 10 năm gì đó, đóng 20 năm thì có một mức lương và số năm lĩnh lương tương ứng. Khi đó người nào đóng nhiều hưởng nhiều, lâu, đóng ít hưởng thấp và ngắn. Khi đó cấm tuyệt đối rút 1 lần trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định và số lương hưu nếu chưa lĩnh hết số năm mà chết thì phải trả cho người thân của người chết số năm còn lại. Sòng phẳng như thế thì không ai phàn nàn gì nữa.
Bình luận (0)