Mới đây, khi đến Công ty TNHH Haiwin (quận 1, TP HCM) làm việc như thường lệ, anh Ngô Phương Lân đột ngột bị bảo vệ tòa nhà ngăn lại, không cho vào. Anh Lân hỏi lý do thì được bảo vệ cho biết làm theo lệnh của ông Hán Hữu Hải, giám đốc công ty. “Tôi chưa vi phạm kỷ luật và cũng không nhận được bất cứ quyết định kỷ luật hoặc thông báo thôi việc nào từ công ty. Nay tôi bỗng dưng vô cớ bị đẩy ra đường, không hiểu công ty đang dùng luật gì nữa?” - anh Lân bức xúc.
Không bồi thường vì “không dư tiền”
Anh Lân được Công ty TNHH Haiwin ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 6 tháng (kể từ ngày 3-3) với chức danh phó giám đốc công nghệ thông tin. Theo thỏa thuận, 3 tháng đầu, anh hưởng lương 8 triệu đồng/tháng, 3 tháng sau là 10 triệu đồng/tháng, cộng thêm 1% doanh thu của công ty. Bản HĐLĐ còn kèm theo điều khoản đặc biệt “Nếu bên nào đơn phương phá vỡ HĐLĐ thì sẽ phải đền bù cho bên còn lại giá trị hợp đồng tương đương với 54 triệu đồng”. Lân cho biết kể từ khi ký HĐLĐ cho đến lúc bị cấm cửa, công ty chưa hề trả lương cho anh.
Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động với sự chứng kiến của anh Lân, ông Hán Hữu Hải lý giải nguyên nhân đột ngột cấm cửa Lân là do anh không đáp ứng được yêu cầu công việc và công ty không muốn tiếp tục sử dụng. Thừa nhận việc chấm dứt HĐLĐ với anh Lân là trái quy định của pháp luật nhưng ông Hải khẳng định không thể bồi thường theo yêu cầu của anh vì công ty không dư tiền.
“Nếu anh Lân kiện ra tòa và tòa buộc công ty phải bồi thường cho người lao động (NLĐ) thì công ty sẽ chấp hành. Tuy nhiên, công ty sẽ xin tòa được trả góp 100.000 đồng/tháng vì đang gặp khó khăn về tài chính” - ông Hải nói. Riêng đòi hỏi về tiền lương của anh Lân, ông Hải chỉ đồng ý trả 5 triệu đồng/tháng (!?).
Thái độ của giám đốc công ty khiến anh Lân rất ấm ức. “Tôi thông cảm với khó khăn của công ty và chỉ yêu cầu nhận được khoản lương đúng như cam kết trong HĐLĐ. Tuy nhiên, công ty đã hành xử thiếu thiện chí nên tôi sẽ kiện ra tòa để đòi quyền lợi” - anh khẳng định.
Trả giá vì sa thải trái luật
Anh Lê Duy Khang và anh Hà Duy Thành cùng 10 công nhân (CN) khác cũng bị Công ty TNHH Sắt thép Vĩnh Đa (quận Tân Bình, TP HCM) không cho vào làm việc. Nguyên nhân họ bị cấm cửa là vì dám từ chối tăng ca.
Anh Khang kể ngày 15-1-2012, công ty yêu cầu tăng ca. Do cận Tết lại bận việc gia đình, hơn nữa cách đó 1 ngày phải tăng ca đến 23 giờ nên anh và đồng nghiệp từ chối. Hai ngày sau, các anh vẫn đi làm việc bình thường và nghỉ Tết. Ngày 2-2-2012, thay vì vào xưởng làm việc như thường lệ, anh Khang và đồng nghiệp được mời lên văn phòng viết bản tường trình về việc không tăng ca theo yêu cầu của ông Đỗ Thanh Phong, giám đốc công ty. Sau đó, ông Phong cho nhóm CN này về nghỉ 3 ngày. Tiếp đó, công ty lại cho nhóm của họ nghỉ thêm 4 ngày. “Liên tục yêu cầu CN viết bản kiểm điểm, sau đó cấm cửa không cho chúng tôi vào làm việc, cách cư xử của ban giám đốc rất khó chấp nhận” - anh Thành bức xúc.
Mới đây, TAND quận Tân Bình đã đưa vụ tranh chấp giữa anh Thành và Công ty TNHH Sắt thép Vĩnh Đa ra xét xử. Tại tòa, công ty cho rằng CN tự ý bỏ việc, làm ngưng trệ cả dây chuyền sản xuất nên buộc phải sa thải. Công ty có dán thông báo chấm dứt HĐLĐ nhưng không gửi cho CN vì nghĩ rằng bạn bè sẽ nói lại cho họ biết.
HĐXX nhận định: Nếu muốn cho NLĐ nghỉ việc, công ty phải tuân thủ thời gian báo trước, đồng thời phải nói rõ lý do cho nghỉ việc theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động. Việc công ty cho NLĐ nghỉ không lý do, cũng không báo trước là đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Do đó, TAND quận Tân Bình đã tuyên buộc Công ty TNHH Sắt thép Vĩnh Đa bồi thường cho anh Hà Duy Thành theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)