Mới đây, không đồng tình với kết quả xét xử của TAND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, 50 nhân viên từng làm việc tại Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau (nay là Công ty CP Cấp nước Cà Mau) đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Anh Nguyễn Thanh Tịnh bức xúc: “Rõ ràng tòa biết công ty không tuân thủ đúng quy định khi cắt giảm lao động nhưng vẫn cố tình phớt lờ khiến quyền lợi của chúng tôi bị xâm hại nghiêm trọng”.
Phớt lờ quy định
Năm 2012, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 1201/QĐ-UBND về việc cổ phần hóa Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau. Ngày 26-8-2015, UBND tỉnh ra Quyết định 1246/QĐ-UBND phê duyệt phương án sắp xếp lao động dôi dư do chuyển đổi công ty TNHH 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo phương án này, 76 lao động sẽ bị cắt giảm, trong đó số lao động nghỉ dôi dư theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP là 24 người, 52 người còn lại nghỉ theo chế độ chấm dứt hợp đồng lao đồng (HĐLĐ) và hưởng trợ cấp mất việc làm.
Theo quy định tại khoản 2, điều 7 Thông tư 38/2010/TT-BLĐTBXH, sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông báo hoặc quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, chuyển đổi thì công ty tiến hành xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư theo 5 bước. Trong đó, bước 3 nêu rõ: “Công ty phối hợp với ban chấp hành Công đoàn tổ chức đại hội CNVC hoặc đại hội đại biểu CNVC để đại hội cho ý kiến về danh sách lao động”. Thực tế, công ty đã bỏ qua bước quan trọng này dù trong cuộc họp giao ban ngày 17-8-2015, khi bộ phận nhân sự xin ý kiến về thời gian tổ chức đại hội CNVC, ban giám đốc hứa sẽ xem xét bố trí vào thời điểm thích hợp.
Mặt khác, theo quy định tại điều 44 Bộ Luật Lao động, việc cho nhiều người lao động (NLĐ) nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Thế nhưng, chỉ sau 16 ngày kể từ khi phương án giải quyết lao động dôi dư được phê duyệt, công ty đã ra quyết định cho 76 lao động nghỉ việc.
Chính quyền nói sai, tòa bảo đúng!
Cho rằng công ty không tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi chấm dứt HĐLĐ, NLĐ đã gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Cà Mau, đồng thời khởi kiện ra tòa.
Ngày 16-9-2016, theo chỉ đạo của ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của đại diện sở, LĐLĐ tỉnh, Công ty CP Cấp nước Cà Mau và đi đến kết luận: Công ty không tiến hành đại hội NLĐ để thống nhất ý kiến mà chỉ thống nhất với một số cán bộ chủ chốt và Công đoàn cơ sở là chưa thực hiện đúng quy định tại điều 7 Thông tư 38. Việc không tiến hành đại hội tức là chưa có sự thỏa thuận với NLĐ mà công ty tự ý xác định danh sách lao động dôi dư là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Ngoài ra, sau khi phương án lao động được phê duyệt, thay vì tổ chức họp để triển khai cho NLĐ biết thì công ty lại tổ chức họp cán bộ chủ chốt (ngày 28-8-2015) để chốt danh sách lao động nghỉ dôi dư là sai quy định. Từ những kết luận trên, Sở LĐ-TB-XH kiến nghị UBND tỉnh buộc công ty phải bồi thường cho NLĐ do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Đáng lưu ý là sau đó, khi ông Ninh Quang Thế, Phó Chánh án TAND TP Cà Mau, có Công văn 499/CV-NV ngày 31-10-2016 gửi UBND tỉnh xin ý kiến đối với kết luận của các đoàn thanh tra về việc công ty không tổ chức đại hội CNVC khi sắp xếp lao động dôi dư và việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 1246 là đúng hay sai, ngày 29-12-2016, UBND tỉnh đã có Văn bản 9044/UBND-KT trả lời: Việc ban hành Quyết định 1246 tại thời điểm đó là đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và triển khai phương án sắp xếp lao động dôi dư, công ty thực hiện chưa đúng quy định (thiếu bước 3). Về điều này, UBND tỉnh đang xem xét kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Câu trả lời đã rõ song điều lạ là trong 7/36 vụ được xét xử sau đó, tòa đã bác toàn bộ yêu cầu của NLĐ. Lý do: Tuy công ty không tổ chức đại hội CNVC nhưng trước đó đã thông tin về phương án đến các cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến NLĐ!
Nhiều tình tiết mâu thuẫn
Ông Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa, nhận định: Theo quy định tại Thông tư 38 và Thông tư 33/2012/TT- BLĐTBXH, thời điểm chốt danh sách NLĐ là thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố giá trị doanh nghiệp (ngày 31-8-2015) nhưng công ty đã tiến hành chốt danh sách vào ngày 14-8-2015, đến ngày 18-8-2015 nộp cho Sở LĐ-TB-XH và ngày 26-8-2015, UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng lao động là không đúng quy định.
Mặt khác, ngày 25-9-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1408/QĐ-UBND phê duyệt phương án sử dụng lao động dôi dư của công ty thay thế cho Quyết định 1246, nghĩa là Quyết định 1246 không còn giá trị pháp lý nhưng tòa vẫn sử dụng trong quá trình xét xử là không đúng.
Một tình tiết khác là công ty cho số lao động trên nghỉ việc vào ngày 11-9-2015, trước ngày quyết định phê duyệt phương án được ban hành (ngày 25-9-2015). Rõ ràng việc làm này là trái pháp luật.
Bình luận (0)