Ông Sy Sam Cau (giữa), Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Huê Phong lì xí Tết cho công nhân khu lưu trú
Hiểu được suy nghĩ ấy của CN, rất nhiều doanh nghiệp (DN) dù đối diện không ít khó khăn trong sản xuất - kinh doanh vẫn cố gắng xoay xở thưởng Tết nhằm động viên tinh thần và cũng để tri ân người lao động (NLĐ).
Năm nào cũng vậy, tháng cuối cùng trong năm cũng là thời điểm ông Lý Chí Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên (gia công quần áo xuất khẩu; quận Bình Tân, TP HCM), đôn đốc bộ phận kế toán dự trù kinh phí thưởng Tết cho CN. Năm qua, dù đơn hàng khan hiếm do phải cạnh tranh với các DN cùng ngành, ban giám đốc công ty vẫn quyết định bớt một phần lợi nhuận để thưởng cho CN mỗi người một tháng lương (bình quân 4 triệu đồng).
Chưa hết, công ty còn bố trí cho CN nghỉ Tết sớm và tạm ứng tiền lương tháng 1-2016 để họ an tâm về quê. Sau Tết, CN nào trở lại TP HCM đúng hẹn sẽ được lì xì 200.000 đồng. Theo ông Bình, khó khăn trong sản xuất - kinh doanh là chuyện đương nhiên, do vậy, nếu DN nại lý do này để né tránh hoặc cắt giảm thưởng Tết cho CN là việc không nên.
Đồng tình với suy nghĩ ấy, ông Đinh Cao Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Minh Nghĩa, cho rằng trong xu thế hội nhập sâu rộng, người đứng đầu DN cần ứng xử có trách nhiệm với CN. “DN ăn nên làm ra có công đóng góp không nhỏ của CN. Do vậy, việc xem xét thưởng Tết cho họ là điều đương nhiên. Nếu khó khăn, DN có thể nói thẳng với CN và mong họ thông cảm. Tìm đủ lý do để né tránh trách nhiệm thưởng Tết, DN chỉ khiến NLĐ nảy sinh tâm lý bất mãn, từ đó khó đòi hỏi họ cống hiến lâu dài” - ông bày tỏ.
Năm nay, công ty của ông Nghĩa cũng gặp khó khăn không kém. Tuy nhiên, với chủ trương phải chăm lo tốt cho CN, ban giám đốc vẫn cố gắng xoay xở nguồn tiền thưởng Tết với mức bình quân là một tháng lương cơ bản (3,5 triệu đồng). Nghe được thông tin này, gần 100 CN hết sức xúc động.
Khó nhưng vẫn chăm lo chu đáo cho CN, điều ấy không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn là nét văn hóa của DN. Hơn ai hết, NLĐ luôn hiểu rõ tình hình nơi làm việc và chắc chắn họ sẽ ghi nhận, đền đáp đúng mức tấm thịnh tình ấy của DN. Một khi văn hóa chăm lo đã trở thành nếp, DN sẽ không khó giữ chân NLĐ.
Bình luận (0)