Có dịp trò chuyện với một số phụ huynh đưa con đến nhận học bổng Nguyễn Đức Cảnh do LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM trao tặng, chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết nhiều anh, chị chưa phải là đoàn viên Công đoàn (CĐ) hoặc chỉ mới gia nhập CĐ. Lần đầu đến dự hoạt động do CĐ tổ chức cũng là lần đầu tiên con em họ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ CĐ nên ai nấy đều xúc động. “Công ty vừa thành lập CĐ và đây là lần đầu tiên con tôi được nhận học bổng. Gia đình tôi đang khó khăn nên phần học bổng này rất ý nghĩa. Sự chăm sóc này giúp tôi hiểu rõ hơn về CĐ” - anh Nguyễn Văn Nam, công nhân (CN) Công ty TNHH TM DV K&H Việt Nam, chia sẻ.
Giúp CN tiếp cận, hiểu về CĐ
Một phần ba trong số 120 cháu nhận học bổng do LĐLĐ quận Bình Thạnh tặng là con CN làm việc tại các doanh nghiệp (DN) chưa có CĐ. Tổ chức trao học bổng cho con CN, mong muốn của LĐLĐ quận là giúp CN hiểu hơn về vai trò của tổ chức CĐ. “Đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của tổ chức CĐ đối với người lao động (NLĐ) mà còn là cách để CN được tiếp cận, hiểu về tổ chức CĐ, sau đó tự nguyện gia nhập” - ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, khẳng định.
Thực tế, nhiều năm nay, cách làm ấy đã mang li hiệu quả. Minh chứng cụ thể nhất là trong số 159 DN mới thành lập CĐ từ đầu năm đến nay, có 30 DN tham gia các phong trào do LĐLĐ quận tổ chức từ khi chưa có CĐ. Cũng nhờ vậy, khi có quy định về việc trích nộp kinh phí 2%, nhiều chủ DN tuân thủ đúng và tạo điều kiện thành lập CĐ tại đơn vị. Không ít chủ DN sau khi hiểu về CĐ đã trở thành mạnh thường quân trong các hoạt động của CĐ.
Điển hình như ông Nguyễn Tu Mi, Giám đốc Công ty Kinh doanh vàng Mi Hồng. Trước năm 2007, LĐLĐ quận phải liên tục thành lập rồi giải thể CĐ cơ sở do lao động liên tục biến động, không duy trì được hoạt động. Tình hình chỉ thay đổi khi năm 2007 LĐLĐ quận một lần nữa tiến hành củng cố CĐ cơ sở. Khi ấy, chủ DN - ông Nguyễn Tu Mi - bắt đầu tham gia các phong trào của LĐLĐ quận. “Với sự trao đổi thông tin một cách tích cực và chuẩn xác giữa ban lãnh đạo và NLĐ, CĐ đã giúp DN và NLĐ hiểu rõ hơn về mong muốn của nhau, tạo sự gắn kết giữa đôi bên. Hơn 7 năm hoạt động, những lợi ích CĐ mang lại cho DN và NLĐ là không nhỏ” - ông Tu Mi khẳng định.
Phải làm cho NLĐ tin tưởng
Việc thành lập CĐ cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn bởi phần lớn chủ DN và NLĐ đều chưa hiểu đúng về CĐ. Khi vận động thành lập CĐ, đội ngũ cán bộ chuyên trách thường gặp những câu hỏi khó như “Có CĐ, DN và NLĐ được gì?” “Kinh phí và đoàn phí được sử dụng như thế nào?”…
Từ kinh nghiệm vận động thành lập CĐ tại các DN có vốn nước ngoài, bà Hồ Bích Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ quận 1, chia sẻ: “Tùy đối tượng, cán bộ CĐ phải có cách tiếp cận phù hợp. Chẳng hạn đối với lao động có trình độ cao, việc viện dẫn luật cùng những lý lẽ thuyết phục là rất cần thiết. Còn đối với lao động phổ thông, anh em đoàn viên nghiệp đoàn, trình độ còn hạn chế nên có người chỉ thấy “thiệt” trước mắt là phải đóng đoàn phí mà quên đi cái lợi lâu dài. Vì vậy, trách nhiệm của CĐ là phải chỉ rõ và dẫn chứng bằng thực tế để NLĐ hiểu và tin tưởng”. Bà Ngọc đơn cử trường hợp thành lập CĐ cơ sở tại Công ty Purosihma (100% vốn Nhật Bản, xưởng sản xuất đóng tại tỉnh Bình Dương). Phải mất hơn 2 tháng lên tận Bình Dương kiên trì vận động mới thành lập được CĐ cơ sở.
“Trước đây, ngoài tháng lương 13, CN không nhận được sự quan tâm, chăm lo nào khác nhưng nay, CN có thêm những phần quà vào các ngày lễ như 2-9, Tết Trung thu… CĐ cũng chăm lo cho gần 60 CN khó khăn. Điều quan trọng là giờ đây, CĐ chính là nơi anh em tìm đến để giãi bày bức xúc. Dù chưa đáp ứng hết mong muốn của CN nhưng với sự giúp sức của CĐ cấp trên, chúng tôi đang từng bước trở thành cầu nối, gắn kết DN với CN” - chị Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Đem lại lợi ích thực sự cho NLĐ
Chín tháng đầu năm, các cấp CĐ TP HCM đã vận động thành lập 1.255 CĐ cơ sở, phát triển 80.121 đoàn viên. Song song với việc thành lập CĐ, LĐLĐ TP luôn nhắc nhở CĐ cấp trên phải củng cố tổ chức, từng bước xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh, hoạt động có chiều sâu để đem lại lợi ích thực sự cho NLĐ. Có như vậy, mới trả lời được câu hỏi “Vào CĐ có lợi ích gì?”.
Bình luận (0)