Công việc âm thầm, lặng lẽ từ lau dọn, vệ sinh khoa - phòng, thay drap trải giường, lau chùi máy móc, thiết bị, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, đưa hồ sơ, giấy tờ… Thậm chí, còn hỗ trợ điều dưỡng (ĐD) chăm sóc, thay tã, tắm rửa, vệ sinh cho người bệnh. Làm rất nhiều việc không tên nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và chia sẻ.
Những công việc không tên
32 năm gắn bó với nghề hộ lý (HL) tại Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP HCM), bà Nguyễn Thị Nguyệt (55 tuổi) luôn để lại ấn tượng đẹp với bạn bè, đồng nghiệp. Nhất là với bệnh nhân, thân nhân, bà rất thân thiện và ân cần. Nhờ công việc này, cùng sự chân thành, bà đã nuôi con trưởng thành và đang là quản lý của một công ty Nhật Bản tại Mỹ.
Hộ lý Nguyễn Thị Nguyệt, Bệnh viện Bình Dân, hỗ trợ đưa bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng
Kể về công việc của mình, bà Nguyệt cho biết đều đặn mỗi ngày, 5 giờ đã có mặt tại Khoa Nam học để bắt đầu công việc lau dụng cụ, bàn ghế tại khu khám bệnh trong khoa; vệ sinh sàn nhà, dọn dẹp khoa - phòng để kịp giờ đón bệnh nhân vào điều trị. Công việc vừa ngơi tay, bà tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân nội trú thay drap trải giường để kịp giờ bác sĩ (BS) khám bệnh. Chỉ tranh thủ 5 phút ăn sáng, đến giờ khám bệnh bà lại đưa những bệnh nhân đi lại khó khăn thực hiện các xét nghiệm.
Công việc liên tục không ngừng nhưng lúc nào bà cũng vui vẻ giúp đỡ người bệnh. Theo bà Nguyệt, dù mọi việc không đòi hỏi cao về trình độ nhưng phải thật sự chăm chỉ, ngăn nắp và không sợ bẩn. "Lúc mới vào BV làm, tôi được phân công đến Khoa niệu B. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm người bệnh điều trị nên công việc luôn tay, luôn chân. Những bệnh nhân ở khoa này đều là bệnh nặng, bởi sau phẫu thuật được đặt ống thông tiểu, ống tiêm truyền… khiến họ cũng khó khăn trong tất cả sinh hoạt. Nếu ngại khó ngại khổ thì khó làm được công việc này" - bà Nguyệt kể.
Làm việc tại Khoa Hồi sức ngoại thần kinh, BV Chợ Rẫy (TP HCM) - nơi tập trung các ca nặng đến rất nặng, hôn mê khiến các ĐD, HL ở đây luôn tất bật. Gắn bó tại khoa được vài năm, HL Nguyễn Thị Kim Trang cũng thuần thục làm những công việc từ hỗ trợ ĐD hút đàm, thông đường thở, giúp bệnh nhân uống sữa, thực hiện xét nghiệm, thu gom đồ bẩn, xả chất thải của người bệnh... Chị Trang cho biết có những đêm, ca bệnh tai nạn giao thông nhập viện nhiều khiến các BS, ĐD thức trắng đêm giành giật sự sống để cứu người. Vì vậy, các HL như chị cũng không dám chểnh mảng. "Có nhiều đêm tôi cũng thức trắng để hỗ trợ BS, ĐD. Dù công việc không phải trực tiếp cứu người nhưng tôi luôn cố gắng làm những gì tốt nhất cho người bệnh" - chị Trang tâm sự.
Xem bệnh nhân như người nhà
Chăm sóc chồng sau khi mổ tại BV Bình Dân, bà Nguyễn Cẩm Chi (46 tuổi, ngụ Long An) cho biết nhờ có HL Nguyễn Thị Nguyệt hỗ trợ nên quá trình chăm sóc chồng, bà cũng bớt căng thẳng. "Khi chồng vừa phẫu thuật xong, tôi không biết phải vệ sinh như thế nào vì thấy dây nhợ chằng chịt, vết mổ chưa khô khiến tôi hoang mang. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của chị Nguyệt, mọi việc đã nhẹ nhàng hơn" - bà Chi bày tỏ.
Không ngại vất vả, bà Nguyệt đã tận tình hướng dẫn bà Chi cách chăm sóc chồng. Không chỉ riêng chồng bà Chi, nhiều bệnh nhân khác cũng được bà chăm sóc như người nhà. Nhiều thân nhân người bệnh cho biết dù vất vả nhưng chưa thấy bà Nguyệt lớn tiếng với ai, trái lại bà luôn cư xử nhẹ nhàng, điềm đạm. Bà Nguyệt cho rằng khi đặt vị trí của mình vào họ thì sẽ thấu hiểu được sự lo lắng, đau đớn vì bệnh. Công việc dù không nặng nhọc nhưng thái độ và cách nói chuyện nhỏ nhẹ sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, an tâm hơn. Vì vậy, lúc nào được bệnh nhân nhờ, bà cũng luôn sẵn lòng hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (50 tuổi), HL Khoa Hồi sức nhiễm - COVID-19, BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) luôn xem các bệnh nhi như con của mình. Bà Hạnh cho biết 25 năm gắn bó với nghề, nên việc chăm sóc các bệnh nhi không còn khó khăn. "Chăm sóc trẻ khó hơn người lớn vì các bé không thể diễn đạt, nói ra suy nghĩ. Nhưng bây giờ, chỉ cần nhìn biểu hiện của từng bé là tôi biết đang cần gì và mình nên làm thế nào" - bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, công việc hằng ngày không quá áp lực. Chỉ trừ lúc cao điểm bệnh sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng, bệnh nhi nhập viện đông nên công việc bận rộn hơn. Có những lúc phải thức trắng đêm làm thủ tục, nhận máu, kiểm tra các túi máu để thay khi có trường hợp nặng cần thay huyết tương. Vì làm lâu năm, bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhân, thân nhân la mắng vì bệnh đau, lo lắng, mệt mỏi. Những lúc đó, bà tự đặt mình vào họ để đồng cảm. Bà Hạnh cho rằng ai cũng có lúc hoạn nạn, ốm đau, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Nếu không thấu hiểu và thông cảm thì sẽ khó chăm sóc người bệnh được chu đáo.
Bình luận (0)