Gặp ông Lê Quang Đ. đang làm quản lý tại một nhà hàng tiệc cưới trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP HCM trong bộ vét đen chỉn chu, tác phong nhanh nhẹn, ít ai nghĩ rằng ông đã bước qua tuổi 61. Ông Đ. là một công chức đã nghỉ hưu vào tháng 8-2017.
Làm nhân viên cho con
Ông Đ. cho biết từ ngày nghỉ hưu, ông cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, đầu óc thoải mái hơn. Vợ mất sớm, các con đã lớn và có cuộc sống ổn định riêng nên ông sống một mình trong căn hộ nhỏ. Trước khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông đã được các con gợi ý chỉ việc ở nhà đọc báo, xem tivi, nếu thấy gò bó thì có thể đưa đón các cháu đi học nhưng ông từ chối.
Nhiều người nghỉ hưu vẫn tự đi làm các thủ tục cần thiết cho mình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Con trai vốn là chủ nhà hàng nên ông đề nghị cho mình một chân làm quản lý sảnh tiệc, phụ việc điều phối khách, điều phối nhân viên phục vụ. Ban đầu, con ông không đồng ý vì công việc đó rất vất vả và cần người có sức khỏe tốt. Ông thuyết phục mãi, các con mới đồng ý cho "thử việc". Sau một tháng "thử việc", ông đã chứng minh cho các con thấy khả năng phục vụ khách hàng cũng như quản lý, kèm theo cách "ứng biến" với các sự cố thường xảy ra trong buổi tiệc của mình nên "buộc" họ phải nhận vào làm việc.
"Từ ngày chính thức nghỉ hưu, tôi về phụ con trai ở nhà hàng này. Với tiền lương 9 triệu đồng/tháng, cộng với lương hưu, tôi có đủ tài chính để tự chủ cuộc sống, không phải phụ thuộc vào ai. Khi dư chút đỉnh, tôi sẽ thực hiện tiếp những công việc mà từ lâu chưa làm được, đó là tặng sách vở cho con em đồng bào còn khó khăn, mong thế hệ tương lai được đi học đầy đủ" - ông Đ. tâm sự.
Càng đi càng khỏe
Đến "văn phòng" làm việc cũng là phòng khách nhỏ của bà Phan Hồng Liên (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) ai cũng phải thán phục người phụ nữ này bởi khả năng làm việc. "A lô, xong nhé, chốt 370 suất quà đặc biệt cho các hộ khó khăn nhất, mỗi suất trị giá 550.000"; "100 suất cho thiếu nhi gồm đủ dụng cụ học tập và bao thơ 200.000 anh nhé"; "A lô, bên cô còn thiếu khoảng 90 thùng sữa cho trẻ em cho chuyến đi Trà Vinh cuối tuần này, bên con có thể hỗ trợ được không?".
Đó là nội dung trao đổi của bà Liên với những đơn vị phối hợp thực hiện, các nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ cho những chuyến thiện nguyện cuối năm. Nhìn lịch trình dày đặc của bà được ghi trên chiếc bảng lớn choán hết một vách tường, chắc những thanh niên trai tráng cũng thấy "ngán". Chỉ ngay trong tháng 1 này, bà Liên cùng với đoàn thiện nguyện của mình gần như ăn ngủ trên những chuyến đi đến với bà con nghèo vùng sâu vùng xa ở Đắk Nông, Phú Yên, Trà Vinh, Lào Cai...
Dù đã bước sang tuổi 59 nhưng nhìn bà Liên vẫn rất khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, cường độ làm việc rất cao. Trước đây, bà là giáo viên nhưng từ ngày rời bục giảng, bà luôn bận rộn với công việc thiện nguyện mà mình đã tâm nguyện sẽ thực hiện cho đến khi không còn sức để làm.
"Cứ nghe ở đâu thiên tai bão lũ là chúng tôi lại kêu gọi, huy động tiền, quà mang đến tận nơi trao cho bà con mình. Nhìn họ vui khi nhận quà là tôi không còn biết mệt. Mỗi năm, chúng tôi thực hiện được khoảng 40 chuyến đi, chủ yếu đến với đồng bào dân tộc miền núi và bà con khó khăn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Con đường đến với bà con rất chông gai hiểm trở, nhiều khi phải cuốc bộ hàng chục cây số, nhưng động lực lớn nhất để chúng tôi vượt qua là ánh mắt trông chờ của bà con. Niềm vui cuộc sống của tôi sau khi nghỉ hưu chỉ là vậy, cứ càng đi nhiều càng khỏe ra" - bà Liên chia sẻ.
Bà Liên cũng cho biết trong đoàn thiện nguyện có 2 ông và 3 bà đều là những công chức, viên chức nghỉ hưu tham gia rất tích cực, ai cũng vui vẻ, khỏe mạnh sau những chuyến đi.
Thêm niềm vui tuổi già
Theo TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, trước khi về hưu, thường người ta đang ở đỉnh cao công việc, có thu nhập tốt. Bỗng chốc về hưu, mất đi vị thế xã hội, giảm thu nhập sẽ khiến cho nhiều người rơi vào mặc cảm "mình không còn giá trị, là gánh nặng của con cái". Ngoài ra, trí não đang làm việc năng động bỗng chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi đột ngột sẽ sinh ra cảm giác buồn chán, thậm chí thúc đẩy nhanh quá trình sa sút trí tuệ. Trong tâm lý học, giai đoạn này được gọi là "khủng hoảng tuổi về hưu".
Do đó, nếu người về hưu thật sự muốn làm việc, con cháu nên cho họ làm nhưng với cường độ nhẹ hơn, để giúp họ vừa được sử dụng kinh nghiệm dày dặn của mình đóng góp cho xã hội, vừa cảm thấy bản thân vẫn có giá trị và giúp trí não hoạt động tích cực. Nếu người về hưu không muốn làm việc, con cháu hãy giúp họ tham gia các hoạt động lành mạnh như tập dưỡng sinh, làm từ thiện, chăm sóc con cháu, trồng cây cảnh, đi du lịch…
Bình luận (0)