Những ngày giáp Tết, gặp được Chủ tịch CĐ Công ty Liên doanh Choong Nam - Việt Thắng (quận Thủ Đức - TPHCM) Nguyễn Văn Vinh thật khó vì ông vừa phải theo dõi tình hình sản xuất vừa phải lo Tết cho công nhân (CN) ở các xí nghiệp. Gặp tôi, ông khoe: “Công ty vừa phát thưởng cho CN (bình quân 1,4 triệu đồng/người). Riêng CĐ tặng mỗi CN một phần quà. Tết như vậy là ổn rồi”.
Thà chịu thiệt chớ không bỏ CĐ!
Gặp ông Vinh tại văn phòng CĐ công ty sáng 18-1, ông lấy cho tôi xem tờ Báo Người Lao Động cũ đã ố vàng được ông giữ kỹ mười mấy năm nay; trong đó nêu bật thông tin về vụ đình công của gần 500 CN công ty hồi năm 1993: “Rất may là từ đó đến nay không có lần nào như vậy nữa”. Thành lập năm 1992, thì năm sau, công ty xảy ra đình công vì CN bức xúc về lương, thưởng, tiền ăn... Sự việc khá bế tắc, một phần là do tổng giám đốc công ty lúc đó là ông Choe-Ki-Nam không mấy thiện cảm với CĐ. Không nói nhiều, một mặt vận động CN trở lại làm việc, một mặt ông Vinh lấy ý kiến các trưởng đầu ngành, sau đó tập hợp thành văn bản kiến nghị công ty giải quyết. Thấy CN trở lại làm việc, còn những bức xúc của CN lại có lý, đối tác nước ngoài mới đồng ý giải quyết.
Vụ việc êm xuôi đã giúp ông Choe thay đổi một phần cách nghĩ về CĐ song vẫn “ghìm” không cho ông Vinh hưởng lương trưởng đầu ngành vì ông không chịu thôi làm chủ tịch CĐ. Ông Vinh chấp thuận chịu thiệt khi chỉ hưởng lương trưởng ca khoảng 42,5 USD/tháng (chênh lệch 20 USD so với lương trưởng đầu ngành) để được làm chủ tịch CĐ. “Vì sao anh thích làm CĐ?”- ông Choe cắc cớ hỏi. “Tôi được CN tín nhiệm bầu chứ không đi xin!” - ông Vinh trả lời.
Xây dựng niềm tin từ khâu “rối” nhất
CN Võ Văn Thương đã nói về chủ tịch CĐ của mình bằng sự yêu quý, cảm phục: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vậy mà anh Vinh vẫn nhiệt tình, hết lòng với CN, tụi em học tập được ở anh rất nhiều”. Con gái mắc bệnh hiểm nghèo, hằng tuần phải nhập viện để lọc máu, chi phí rất tốn kém. Ở vào hoàn cảnh ấy, thật khó mà toàn tâm, toàn ý cho công việc. Vậy mà ông Vinh vẫn chu toàn. “Ngoài gia đình, vợ con ra, chính công việc đã cho tôi thêm niềm vui để có đủ nghị lực vượt qua khó khăn”.
Kỹ sư Võ Như Đồng nói với chúng tôi: “Ông Vinh mà theo phong trào thì tụi này xin thua! Ổng chì lắm, việc nào ra việc đó”. Ý ông Đồng muốn nói tới phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật do CĐ phát động. Thay vì chọn cái có sẵn hoặc thế mạnh của doanh nghiệp để phát động thi đua sẽ đạt thành tích cao hơn, ông Vinh và ban chấp hành CĐ lại đột phá vào những khâu rối nhất. Chẳng hạn, công trình thiết kế lắp đặt trạm biến thế điện 2.500 KVA do kỹ sư Trần Quang Năng làm chủ nhiệm đề tài làm lợi hơn 1 tỉ đồng. Đây cũng là công trình giúp kỹ sư Trần Quang Năng nhận được Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Ông Vinh khẳng định: “Thi đua không chỉ để đạt thành tích mà phải mang lại lợi ích thiết thực cho CN. Có như vậy mới nuôi dưỡng được phong trào”. Điều này đã được chứng minh qua thực tế: năm 2005, dù gặp nhiều khó khăn, song chính các phong trào thi đua do CĐ phát động đã góp phần hỗ trợ công ty hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Hết lòng vì công nhân
Thời điểm các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu Chế xuất Linh Trung “lình xình” đình công đòi nâng lương, ông Vinh và ban chấp hành CĐ đã chủ động thông tin đầy đủ, đả thông tư tưởng để CN yên tâm làm việc. Đầu tháng 2-2006 này, CN tại Công ty Liên doanh Choong Nam Việt Thắng được hưởng mức lương khởi điểm 931.000 đồng/người/tháng; bữa ăn giữa ca được nâng từ 4.000 đồng lên 5.000 đồng/người.
Cùng với việc xây dựng quỹ tương trợ nội bộ hơn 600 triệu đồng từ năm 1997 giúp hàng trăm CN vượt qua khó khăn; CĐ còn bảo lãnh cho CN vay Quỹ CEP để cải thiện đời sống. Đây là nhưng việc làm rất quý của một CĐ cơ sở công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Choong Nam - Việt Thắng. Tôi hỏi ông Vinh: “13 năm làm cán bộ CĐ, anh tâm đắc nhất điều gì?”. Ông Vinh nói ngay: “Cán bộ CĐ nói được thì phải làm được”. Và đó chính là điều đã làm nên niềm tin của CN đối với CĐ công ty cũng như cá nhân chủ tịch CĐ Nguyễn Văn Vinh.
Bình luận (0)