Sáng 14-8, hơn chục công nhân (CN) một doanh nghiệp (DN) đóng tại huyện Nhà Bè, TP HCM đã khiếu nại vì “đang làm việc thì bị ông chủ (người nước ngoài) kêu lên cho nghỉ”. Khi được hỏi vì sao lại vô cớ cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc, phiên dịch của giám đốc công ty truyền đạt lại: “Công ty khó khăn, mấy người này làm việc không hiệu quả nên phải cho nghỉ”.
Trăm dâu đổ đầu... khó khăn
Một cán bộ Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết không phải hàng chục mà là hàng trăm DN vin vào cớ này để không thực hiện đầy đủ quyền lợi đối với NLĐ. Sa thải trái luật cũng cho là vì khó khăn; chậm lương, nợ BHXH, BHYT cũng do khó khăn; bữa ăn giữa ca không bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh - an toàn cũng do... kinh tế thế giới suy thoái; không ký hợp đồng với NLĐ cũng do sản xuất đình trệ. Vị cán bộ này than phiền: “Riết rồi không biết nơi nào khó khăn thật, nơi nào lợi dụng tình hình khó khăn để vi phạm pháp luật”.
Mới đây, vào ngày 13-8, hơn 100 lao động nguyên là CN Công ty Sae Hwa Vina (huyện Củ Chi, TPHCM) bị công ty nợ lương, nợ BHXH dây dưa đã quyết định... thuê 4 chiếc xe từ Củ Chi lên quận 1 để khiếu nại đòi quyền lợi. CN cho biết công ty hứa bán nhà xưởng, bán hàng hóa để trả dứt nợ lương (3 tỉ đồng), nợ BHXH (8 tỉ đồng) nhưng “hứa từ năm ngoái đến giờ mà vẫn không thực hiện. Công ty khó, không lẽ CN không khó?”.
Vô tư phạm luật
Khi tham gia giải quyết khiếu nại của NLĐ, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp DN vi phạm pháp luật lao động xuất phát từ nguyên nhân “mù luật”. Công ty P. N ở quận Gò Vấp, TP HCM giữ giấy tờ bản chính của nhân viên hoặc bắt nhân viên phải nộp tiền thế chân 5 triệu đồng và ra điều kiện làm việc đủ 1 năm mới được trả lại. Anh Lê Thành Công bị công ty vô cớ trừ lương nên đã xin nghỉ việc. Do anh làm việc mới 7 tháng nên công ty không trả lại CMND và tiền đặt cọc mà hẹn đến cuối năm 2013 mới trả. Bà Nguyễn Yến Thủy, nhân viên phụ trách nhân sự của công ty, còn khoe một xấp CMND của NLĐ và cho biết: “Nhiều người bỏ luôn rồi cớ mất để làm lại CMND khác”. Khi chúng tôi hỏi công ty có biết làm như vậy là vi phạm pháp luật hay không thì bà Thủy lắc đầu: “NLĐ đồng ý thì chúng tôi mới làm được chứ chúng tôi có lục giỏ xách của họ mà lấy giấy tờ, tiền bạc đâu mà bảo phạm luật?”.
Một khảo sát mới đây của Trung tâm Nguồn lực Việt trên 567 nhà quản lý DN tại TP HCM về tình hình hiểu biết và thực hiện pháp luật lao động cho kết quả thật bất ngờ: Có đến 67% người được khảo sát không hề biết những quy định cấm của pháp luật lao động hiện hành như phân biệt đối xử về giới tính, quấy rối tình dục, ngược đãi, cưỡng bức, sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật... Đặc biệt, có đến 92% người được hỏi cho rằng quan hệ lao động được xác lập thông qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ nhưng hai bên có thể thỏa thuận bất cứ điều gì miễn là bên này không ép uổng bên kia!
DN không quan tâm! Hằng năm, Sở LĐ-TB-XH, BHXH và các cơ quan chức năng TP HCM đều tổ chức các hội nghị để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện pháp luật lao động dành cho DN. Thư mời là chủ DN hoặc người quản lý, điều hành; thế nhưng liên tục nhiều năm qua, người được cử tham dự thường chỉ là nhân viên phụ trách nhân sự. Số lượng tham gia cũng không đầy đủ. Đáng buồn nhất là những vấn đề được nêu lên để “tháo gỡ” lại là những vấn đề đơn giản nhất của pháp luật lao động. Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TP HCM nhận xét: Một khi không có sự quan tâm đúng mức thì sai phạm khi thực hiện là điều khó tránh. |
Bình luận (0)