Sáng nay (27-9), TAND TPHCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ ông Phạm Thế Hùng, kỹ thuật viên vô tuyến điện của Công ty Hoạt động thăm dò và Khai thác dầu khí BP (Công ty BP), kiện công ty do bị sa thải trái pháp luật.
Đây là vụ kiện “nổi tiếng” bởi kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay và số tiền ông Hùng đòi bồi thường lên tới 6,5 tỉ đồng.
Ông Phạm Thế Hùng (phải) đang trình bày vụ việc tại Báo Người Lao Động. Ảnh: THANH NHÀN
Bị sa thải vì... nhịn ăn
Ông Hùng ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với Công ty BP từ năm 2004 và hằng năm đều được công ty đánh giá là “khả năng chuyên môn tốt, làm việc mẫn cán...”.
Tháng 10-2007, ông Hùng cùng các lao động trên giàn khai thác khí Lan Tây yêu cầu công ty đáp ứng một số chính sách dành cho lao động trong ngành dầu khí bởi công việc này độc hại, nguy hiểm.
Không những không trả lời thỏa đáng, Công ty BP còn “trả đũa” bằng cách đánh giá ông Hùng “năng lực làm việc kém” và thay vì được nâng lương từ 30% - 40% như những lao động khác thì ông Hùng chỉ được nâng lương chưa đến 5%.
Bức xúc với cách hành xử mang tính trù dập trên, ông Hùng đã nhịn ăn. Tuy nhiên, trong những ngày này, ông Hùng vẫn làm việc bình thường, hoàn tất công việc được giao và không có một ghi nhận nào cho thấy ông Hùng đã gây ra thiệt hại cho công ty.
Thế nhưng, Công ty BP lại vội vã đình chỉ công việc, thuê máy bay (chi phí 23.000 USD) ra giàn khoan “áp giải” ông Hùng về đất liền.
Hơn 4 tháng sau, Công ty BP họp xét kỷ luật, cho rằng ông Hùng nhịn ăn mà vẫn làm việc là vi phạm các quy định về an toàn dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho công ty. Với lý do đó, công ty sa thải ông Hùng.
Vô căn cứ, trái pháp luật
Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nhận thấy trong quá trình xử lý kỷ luật ông Hùng, Công ty BP đã có nhiều việc làm trái luật. Thứ nhất, trong thời gian nhịn ăn, ông Hùng vẫn hoàn thành công việc và không gây ra bất cứ thiệt hại nào cho công ty.
Việc Công ty BP tốn chi phí thuê máy bay “áp giải” ông Hùng về đất liền vừa gây tổn hại cho chính công ty vừa vi phạm thô bạo quyền làm việc của người lao động.
Mặt khác, nội quy lao động của công ty không có bất cứ quy định nào cho rằng hành vi “nhịn ăn” là vi phạm kỷ luật lao động. Vì vậy, việc công ty xử lý kỷ luật lao động với hình thức sa thải ông Hùng là hoàn toàn vô căn cứ và trái pháp luật.
Điều đáng lưu ý khác là nếu như cho rằng hành vi nhịn ăn của ông Hùng là vi phạm kỷ luật lao động thì sau 4 tháng 2 ngày, công ty mới xử lý là đã hết thời hiệu (tối đa là 3 tháng).
Một sai phạm khác, theo quy định, trong phiên họp xét kỷ luật, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động, kết luận hành vi vi phạm kỷ luật tương ứng với hình thức kỷ luật lao động; thế nhưng trong phiên họp ngày 23-7-2008, người làm việc này là bà Phạm Thanh Vân, Giám đốc nhân sự của Văn phòng Công ty BP tại TPHCM.
Luật gia Lê Trúc Phương, Hội Luật gia TPHCM, phân tích: Bà Vân không phải là người sử dụng lao động mà chỉ là người lao động như ông Hùng. Họ bình đẳng với nhau trong quan hệ lao động nên bà Vân không có quyền “kết tội” ông Hùng. Việc Công ty BP dựa vào kết luận của bà Vân để sa thải ông Hùng là trái pháp luật.
Không theo quy định
Trong phiên họp xét kỷ luật, ý kiến cuối cùng của đại diện CĐ Công ty BP là “yêu cầu công ty và ông Hùng xem xét thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ thay vì hình thức kỷ luật sa thải”. Như vậy, CĐ Công ty BP đã không thống nhất với việc Công ty BP sa thải ông Hùng.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Pháp luật quy định, nếu CĐ không nhất trí thì công ty có nghĩa vụ phải báo cáo với Sở LĐ-TB-XH và sau 20 ngày kể từ ngày báo cáo, người sử dụng lao động mới có quyền ra quyết định kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Thế nhưng, bất chấp quy định trên, ngay trong ngày, Công ty BP lập tức ra quyết định sa thải ông Hùng.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật lao động, việc Công ty BP không báo cáo với Sở LĐ-TB-XH mà đã tự ý ra quyết định sa thải là vi phạm pháp luật. Vì vậy, quyết định trên không có hiệu lực.
Cấp sơ thẩm đã tuyên hủy quyết định sa thải
Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 13-4-2010, TAND quận 2- TPHCM đã tuyên hủy quyết định của Công ty BP về việc kỷ luật sa thải đối với ông Phạm Thế Hùng; buộc Công ty BP phải nhận ông Hùng trở lại làm việc theo đúng công việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; buộc Công ty BP phải bồi thường cho ông Hùng 288,5 triệu đồng. Sau đó, cả hai bên đều kháng án.
(Nguồn: Trích bản án sơ thẩm 02/2010/DSST-LĐ của TAND quận 2 ngày 13-4-2010) |
Bình luận (0)