Chương trình tư vấn tuyển sinh do LĐLĐ TP HCM và Trường ĐH Kinh tế tổ chức sáng 16-4 tại Nhà Văn hóa Lao động Khu Công nghệ cao (đường D1, Khu Công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9) là một sự kiện đặc biệt ý nghĩa. Đặc biệt là vì hầu hết đối tượng tham dự là công nhân (CN) đang làm việc tại các quận 2, 9, Thủ Đức. Rất nhiều CN vì hoàn cảnh mà phải sớm dở dang việc học tập nhưng nhờ chương trình hày, họ lại có cơ hội quay trở lại giảng đường.
Háo hức, kỳ vọng
Nhà ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nên chị Nguyễn Thị Phượng, Công ty TNHH Nidec Copal Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP HCM), cùng con trai đến ngày hội tuyển sinh rất sớm. Không chỉ háo hức, chị còn chuẩn bị sẵn một bảng câu hỏi về cách thức tuyển sinh, địa điểm học, học phí, văn bằng... để nhờ tư vấn ngành học.
Chị Phượng tâm sự: “Học hết THPT, do gia đình khó khăn nên tôi phải đi làm CN để phụ ba mẹ nuôi 2 đứa em trai ăn học. Năm 2006, vừa làm CN tôi vừa đi học trung cấp kế toán và hiện nay làm quản lý chất lượng tại công ty. Công việc đòi hỏi phải nâng cao trình độ nhưng vì quá bận rộn, lại phải chăm sóc con nhỏ nên tôi không thể theo đuổi việc học được. Nếu được học liên thông, tôi sẽ quyết tâm có được tấm bằng đại học hằng ao ước”.
Công nhân tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo Ảnh: THANH NGA
Cũng như chị Phượng, cô CN trẻ Hoàng Thị Thanh Hữu (Công ty TNHH Nidec Copal) đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình liên kết đào tạo giữa LĐLĐ TP HCM và Trường ĐH Kinh tế. Hữu quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hơn một năm trước tốt nghiệp THPT loại khá nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô đành phải gác lại ước mơ vào đại học để đi làm. Ham học nên cô luôn cố gắng dè sẻn chi tiêu để trau dồi thêm ngoại ngữ, vi tính...
Mới đây, khi Công đoàn (CĐ) cơ sở thông báo về chương trình tư vấn tuyển sinh cũng như các chính sách hỗ trợ, Hữu quyết định đến tìm hiểu với hy vọng được đi học trở lại. “Trước đây, em rất thích học kế toán nhưng mong ước ấy phải tạm gác lại vì gia đình không đủ điều kiện. Đến với chương trình, em rất vui khi biết có cả chuyên ngành đào tạo mà mình yêu thích. Em hy vọng chương trình sớm được triển khai để em và nhiều đồng nghiệp có cơ hội đến trường” - cô bày tỏ.
Không riêng gì 2 trường hợp trên, hơn 300 CN, cán bộ CĐ có mặt tại chương trình tư vấn tuyển sinh cũng đều mong muốn được đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tham dự buổi tư vấn, mọi thắc mắc của CN về học phí, cơ chế tuyển sinh, các chính sách hỗ trợ... đều được ban tổ chức giải thích cặn kẽ, giúp họ yên tâm đăng ký chuyên ngành muốn học.
Nhiều chính sách ưu đãi
Thực tế, việc đi học của CN gặp rất nhiều trở ngại. Phần đông bỏ học đã lâu nên họ ngán ngại theo học một chương trình nghiêm túc, đòi hỏi thời gian dài. Với họ, việc làm và thu nhập vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cuộc sống còn bộn bề lo toan nên nhiều CN gặp khó khăn về chi phí nếu muốn theo đuổi việc học hành. Trong khi đó, nhiều chủ doanh nghiệp không đồng tình để CN đi học ngành nghề khác với công việc họ đang làm.
Nhận diện được những trở ngại ấy của người lao động, LĐLĐ TP HCM và Trường ĐH Kinh tế TP đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm đào tạo nghề cho CN, giúp họ thực hiện khát khao được đi học, thay đổi công việc và cuộc sống. Các ngành đào tạo bao gồm: kế toán doanh nghiệp, quản trị, quản lý nguồn nhân lực, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị bán lẻ, quản trị nhà hàng, quản trị khách sạn, luật kinh doanh, thống kê, thuế. CN cũng có thể học các ngành đào tạo khác tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM. Hình thức đào tạo là hệ vừa làm vừa học văn bằng 1, văn bằng 2 (xét tuyển), liên thông trung cấp, liên thông cao đẳng (thi tuyển).
Ông Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết chương trình học sẽ vô cùng linh hoạt để phù hợp với thời gian của CN. Trường chủ trương đưa lớp học đến với CN nên địa điểm học cũng phù hợp với nơi cư trú của họ. Học phí toàn khóa cũng chỉ bằng 2/3 học phí của các sinh viên vừa làm vừa học ở trường.
“Để tiếp sức anh em CN, trường sẽ phát động chương trình “Người bạn đồng hành”. Theo đó, một sinh viên chính quy của trường sẽ kèm cặp, hướng dẫn một CN để họ có thể tự tin theo học và lấy được tấm bằng đại học” - ông Nhựt nhấn mạnh.
Đồng hành với chương trình, Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP) sẽ hỗ trợ vốn ưu đãi, giúp CN và cán bộ CĐ giải quyết bài toán về chi phí khi theo học. Mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng, thời gian không quá 3 năm với lãi suất ưu đãi (khoảng 0,5%/tháng). Thủ tục cho vay dễ dàng, nhân viên tín dụng Quỹ CEP sẽ đến tận doanh nghiệp, CN không cần mất thời gian đi lại nhiều.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Hướng đến tương lai xán lạn hơn
Hoàn cảnh khó khăn khiến nhiều CN phải bỏ dở việc học và sớm tìm kiếm công việc để mưu sinh. Tuy nhiên, xu thế hội nhập đòi hỏi người lao động ở tất cả ngành nghề, lĩnh vực phải nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nếu như không muốn đào thải khỏi thị trường lao động. Do vậy, tạo điều kiện để CN nâng cao trình độ chính là mục đích của thỏa thuận hợp tác mà LĐLĐ TP HCM và Trường ĐH Kinh tế TP đã ký kết.
Chúng tôi hiểu những khó khăn nếu CN phải vừa học vừa làm. Tuy nhiên, không bao giờ là quá muộn cho một sự bắt đầu. LĐLĐ TP HCM hy vọng anh chị em CN có đủ quyết tâm theo học để hướng về tương lai xán lạn hơn. LĐLĐ TP HCM sẽ cố gắng giảm gánh nặng về tài chính, tạo mọi thuận lợi về thời gian và địa điểm để CN có thể theo học.
Bình luận (0)