Dù 20 giờ chương trình cầu truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2014) mới chính thức bắt đầu song mới 18 giờ, hàng ngàn đại biểu là lãnh đạo Đảng, chính quyền, công nhân (CN) và cán bộ CĐ đã có mặt tại 3 điểm cầu Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Cảng Sài Gòn (TP HCM) và Quảng trường 12-11 (tỉnh Quảng Ninh) để cùng hòa chung niềm vui trong ngày truyền thống vẻ vang của tổ chức CĐ. Đặc biệt tại TP HCM, cơn mưa nặng hạt vẫn không thể ngăn được 2.000 đại biểu đến tham dự chương trình cầu truyền hình “Vinh quang CĐ Việt Nam” do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM tổ chức.
Đứng lên theo Đảng làm cách mạng
Từ các điểm cầu Quảng Ninh, Hà Nội và TP HCM, các đại biểu hết sức xúc động khi được xem lại những hình ảnh tư liệu về nỗi lầm than của CN Việt Nam cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp sau khi thôn tính Việt Nam đã thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa. Nỗi lầm than cùng với những khổ đau vì đòn roi, vì sự bóc lột của bọn chủ thực dân tư bản đã khiến những người CN tập họp nhau, lập ra các tổ chức Công hội để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình ở nhiều nơi trong cả nước. Tiếng còi tầm - tiếng còi mà CN các mỏ than ở miền Bắc và CN ngành cao su ở miền Nam từng một thời sợ hãi -là tiếng còi giục giã CN cùng đoàn kết vùng lên đấu tranh.
Đặc biệt, các đại biểu càng tự hào hơn khi xem lại những thước phim tư liệu về quá trình hình thành và ra đời của tổ chức CĐ Việt Nam gắn liền với sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người đã nhấn mạnh vai trò của tổ chức Công hội đỏ: “Tổ chức Công hội trước là để cho CN đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của CN cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho CN; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Hơn 2.000 CNVC-LĐ TP HCM đội mưa xem cầu truyền hình trực tiếp chương trình "Vinh quang Công đoàn Việt Nam" tại Cảng Sài Gòn ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Được trở về với vùng mỏ trong không khí ấm cúng, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (khóa V), cũng là một CN ưu tú của vùng mỏ Mạo Khê (tỉnh Quảng Ninh) - bộc bạch: “Chúng tôi, thế hệ đi sau, rất tự hào được kế thừa truyền thống đấu tranh, đặc biệt là tinh thần bất khuất của các lãnh tụ CĐ Nguyễn Đức Cảnh ở Hải Phòng; Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt ở Mạo Khê”. Trưởng thành từ CN và trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và tổ chức CĐ, ông Phạm Thế Duyệt bày tỏ xúc động: “Trưởng thành từ CN nhờ sự giáo dục của Đảng, của tổ chức CĐ, tôi xem đó là vinh dự, là hạnh phúc của bản thân. Gắn bó bao nhiêu năm với CĐ, tôi luôn xem CĐ là một phần máu thịt của mình”.
Vinh quang từ những con người bình dị
Những ai đã từng có dịp gặp gỡ, làm việc với Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu từ năm 2006 trở về trước, hôm nay không khỏi xúc động khi gặp lại bà. Vẫn giọng nói rành rọt, dứt khoát; vẫn ánh mắt sáng ngời kiên định của một thủ lĩnh CĐ đã từng làm cho rất nhiều “ông chủ” nước ngoài kính phục, bà xuất hiện trong cầu truyền hình như một nhân chứng sống của một giai đoạn lịch sử vẻ vang của CN-CĐ. Cô CN của Nhà máy Dệt 8/3 ngày nào vẫn nhớ như in phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” cách nay gần 60 năm.
“Gần 20 năm làm CN dệt nhưng thời điểm những năm 1963-1973 là những năm khí thế nhất. CĐ liên tục tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, tay cày tay súng; phụ nữ 3 đảm đang, thanh niên 3 sẵn sàng. Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, phụ nữ làm luôn phần việc của nam giới… Có thể khẳng định tất cả phong trào thi đua đều có dấu ấn rõ nét của tổ chức CĐ” - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tâm sự.
Điều khiến nhiều người đặc biệt xúc động là dù chuyển sang lĩnh vực công tác khác đã gần 10 năm nhưng người cán bộ CĐ trưởng thành từ CN ấy vẫn đau đáu với hoạt động CĐ. Bà nhắn nhủ: “Làm cán bộ CĐ phải biết quản lý kinh tế, am hiểu pháp luật, có phương pháp hoạt động và nhất là phải bản lĩnh, tâm huyết”. Có thể nói, chỉ những người “sống chết với CĐ” mới có những đúc kết khoa học, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế như vậy.
Kế thừa xứng đáng
Trong sự lớn mạnh của giai cấp CN và tổ chức CĐ, cùng với cả nước, lực lượng CN TP HCM tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, giữ vững truyền thống của giai cấp CN Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Anh hùng Lao động (AHLĐ) - bác sĩ Phan Kim Phương, Giám đốc Viện Tim TP HCM, là một tấm gương điển hình của những người lao động mới hôm nay. Không chỉ có đôi tay vàng với hơn 8.000 ca phẫu thuật tim, người nữ anh hùng ấy còn có một trái tim đầy nhiệt huyết khi tích cực hỗ trợ LĐLĐ TP thực hiện chương trình “Trái tim nghĩa tình”, mổ tim miễn phí cho CN và con CN nghèo. Bác sĩ Kim Phương chia sẻ: “CN thu nhập rất bấp bênh, nay lại bị bệnh tim nữa thì khó khăn sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Tham gia thực hiện chương trình “Trái tim nghĩa tình”, tôi mong muốn san sẻ khó khăn với họ. Tôi hạnh phúc khi được tham gia chương trình có ý nghĩa và đầy tính nhân văn này”.
Ở điểm cầu Hà Nội, chăm chú lắng nghe những lời tâm tình của bác sĩ Phan Kim Phương, AHLĐ Nguyễn Thế Trinh, Phó Tổng Giám đốc LILAMA 10 và tất cả khán giả đều rất cảm động, thán phục. “Chúng ta ai ai cũng hiểu được những khó khăn, vất vả của chị em phụ nữ khi phải cùng lúc đảm nhận và hoàn thành tốt vai trò trong gia đình và xã hội. Tôi rất cảm phục chị em phụ nữ trong vai trò ấy” - ông Trinh bày tỏ. Được tặng danh hiệu AHLĐ cho những năm tháng phấn đấu với nghề lắp đặt máy, đặc biệt sau khi góp phần cùng đồng đội đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy điện Sơn La hoàn thành sớm hơn kế hoạch đến 3 năm, theo ông Trinh, ngoài tâm huyết và trí tuệ của người thợ thì phong trào thi đua do CĐ khởi xướng là chất men kích thích tinh thần hăng say lao động sáng tạo và tạo động lực cống hiến cho lớp lớp thế hệ CN.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của giai cấp CN và tổ chức CĐ Việt Nam, anh Đoàn Mạnh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Saigon Precision, bày tỏ nguyện vọng: “Lớp thợ trẻ ngày nay khát khao được khẳng định mình, được tạo điều kiện nhiều hơn để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Trung thành với lợi ích của giai cấp
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Đặng Ngọc Tùng bày tỏ niềm tự hào: “Trong suốt chặng đường 85 năm qua, khi thuận lợi cũng như lúc đất nước gặp khó khăn, CĐ Việt Nam luôn là tổ chức cách mạng, luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng, lợi ích của giai cấp CN và lợi ích dân tộc; tổ chức, vận động người lao động đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và người lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, giai cấp CN và tổ chức CĐ đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bình luận (0)