Thăm cơ sở may của gia đình bà Đỗ Bảo Ngân (ngụ tại phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển vượt bậc của nơi đây so với 2 năm về trước. Từ chỗ chỉ có 20 công nhân, đến nay số công nhân đã lên đến 50 người, đều là lao động thuộc diện nghèo của địa phương. “Có Quỹ Xóa đói Giảm nghèo, tôi vừa phát triển sản xuất vừa thu nhận người nghèo vào làm việc” - bà Ngân hồ hởi.
Tạo việc làm bằng vốn vay
Trước kia, gia đình bà Ngân thuộc diện nghèo của địa phương. Năm 2004, sau khi vay gần 20 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói Giảm nghèo, vợ chồng bà mở xưởng may, vẽ áo dài. Chí thú làm ăn, gia đình bà hoàn vốn trong 1 năm, từng bước mở rộng sản xuất. Hiện cơ sở của bà tạo việc làm cho 50 người nghèo với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình bà Trần Thị Ánh Nhẫn (ngụ phường 2, quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng vượt nghèo nhờ chính sách giúp người nghèo xuất khẩu lao động. Bà Nhẫn cho biết năm 2006, Quỹ Xóa đói Giảm nghèo hỗ trợ gia đình bà 50 triệu đồng, tạo cơ hội để con gái đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Nhờ vậy, nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình bà được cải thiện đáng kể. “Con gái tôi đã về nước, gia đình đã trả hết nợ. Các con đều theo học ngành y và tìm được công việc ổn định” - bà Nhẫn không giấu được niềm vui.
Năm 2013, tại khu phố 4, phường Linh Chiểu, TP HCM, 48 hộ nghèo, cận nghèo cũng được vay gần 500 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói Giảm nghèo. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Chiểu, nhận định: “Nhờ hoạt động thiết thực trên, hiện phường cơ bản không còn hộ nghèo”.
Dạy nghề cho người nghèo
Xác định nghề là phương tiện vượt nghèo bền vững, nhiều địa phương chú trọng việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo. Trong năm qua, UBND quận Thủ Đức, TP HCM đã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho người nghèo. Hưởng ứng chủ trương trên, từ năm 2009 đến nay, Trường Trung cấp nghề Thủ Đức đã dạy nghề miễn phí cho 64 học viên thuộc diện nghèo.
Anh Nguyễn Văn Công, vừa tốt nghiệp hệ trung cấp Khoa Điện công nghiệp, phấn khởi: “Trong 3 năm học, tôi còn được học tiếp chương trình văn hóa đang bỏ dở. Được nhà trường tạo điều kiện, tôi vừa làm vừa học liên thông”. UBND quận Thủ Đức cũng liên hệ các trung tâm dạy nghề mỹ nghệ, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường CĐ May Thời trang II để đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nghèo.
Trung tâm Bảo trợ, Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM cũng là đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghèo. Ngoài đối tượng chính là người khuyết tật, Xưởng Lao động hòa nhập cho người khuyết tật ESAT của trung tâm còn là nơi đi về của nhiều người nghèo trên địa bàn TP. Bà Trần Thị Thùy Dương (hộ nghèo phường 13, quận 3, TP HCM) chia sẻ sau khi hoàn thành khóa học may, bà ở lại trung tâm làm việc. “Gần 5 năm gắn bó với xưởng, tôi không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn giúp đỡ được nhiều người đồng cảnh ngộ” - bà bộc bạch.
TP còn 16.000 hộ nghèo
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP HCM, đến tháng 12-2013, TP vẫn còn 16.000 hộ nằm trong chuẩn nghèo (thu nhập 12 triệu đồng/người/năm). Ngoài ra, 3.450 hộ chính sách còn thuộc diện nghèo và cận nghèo. TP HCM đề nghị được tiếp tục giữ nguồn ưu đãi tín dụng (hơn 1.000 tỉ đồng) của trung ương để phục vụ công tác giảm nghèo.
Bình luận (0)