Hơn 20 năm trôi qua nhưng ông Trần Hữu Tuấn (quận 8, TP HCM), nhân viên bán vé của Công ty Xe khách Sài Gòn, vẫn nhớ như in vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào năm 1992. Trong khi giúp hành khách khiêng hàng xuống xe, không may thùng hàng bị va chạm và phát nổ. Toàn thân ông Tuấn đẫm máu với vô số vết thương, mảnh vỡ của cửa kiếng xe buýt găm vào mắt.
Không gục ngã
Bất tỉnh vì đau đớn, đến lúc tỉnh dậy, ông mới nhận thức được mình bị tai nạn do pháo nổ. Để cứu sống ông, bác sĩ buộc phải bỏ mắt phải; tỉ lệ thương tật sau vụ tai nạn là 61%. “Sợ trở thành gánh nặng cho vợ con nên tôi càng quyết tâm vượt qua để đi làm trở lại” - ông Tuấn tâm sự. Là lao động chính trong gia đình, lại đang nuôi 2 con nhỏ nên khi kết thúc thời gian điều trị đầy gian nan, ông trở lại với công việc nhưng cũng chỉ được hơn 6 năm phải bỏ dở vì sức khỏe quá yếu. Quen lao động nên khi nghỉ việc, ông lại chuyển sang nuôi gà kiểng rồi đi làm đủ việc để phụ giúp kinh tế gia đình. Nhờ vợ chồng đồng lòng mà suốt những năm qua, bao nhiêu khó khăn, gia đình ông cũng từng bước vượt qua, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Nghị lực vươn lên ấy cũng giúp bà Lê Vân Hòa - công nhân (CN) Nhà máy Mì Bình Tây, quận 6, TP HCM - vượt qua những ngày khó khăn để có một cuộc sống giản dị và ý nghĩa. Nhớ lại vụ tai nạn lao động thảm khốc xảy ra hồi năm 1991, cướp đi một cánh tay và một ống chân của mình, đến giờ này bà Hòa vẫn còn ám ảnh: “Tỉnh lại, nhìn thấy thân thể của mình không còn nguyên vẹn, tôi thực hoang mang và tuyệt vọng, thậm chí nghĩ quẩn. Sự quan tâm của gia đình và đồng nghiệp đã cho tôi niềm tin để sống tiếp”. Hiện nay, bà Hòa đang sống cùng gia đình người em ruột. Không muốn là gánh nặng nên những lúc khỏe, bà ra ngồi trông nom tiệm tạp hóa của gia đình. Đời sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng được sống có ích đối với bà đã là hạnh phúc.
Không đầu hàng số phận
Với chàng trai 32 tuổi Nguyễn Đăng Khuê (quận 11, TP HCM), CN Công ty Tân Kỷ Nguyên, sức khỏe mới là thứ quý giá nhất. “Có sức khỏe thì người ta mới nghĩ đến làm những việc khác” - Khuê nói. Năm 2010, khi đang bảo trì máy thông gió cho khách hàng, do bất cẩn nên Khuê ngã từ độ cao 9 m, bị gãy xương háng, bể hàm dưới, gãy tay và giập phổi nặng. Gần 2 tháng ròng chăm sóc con ở bệnh viện, cha mẹ Khuê khóc hết nước mắt. Tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi để có tiền chữa trị cho Khuê. Ra viện với tỉ lệ thương tật 57%, nên Khuê không thể tiếp tục làm việc. Không đầu hàng số phận, Khuê cùng gia đình thuê một căn nhà nhỏ ở TP để bán đồ ăn chay. Ban ngày phụ bưng bê, ban đêm anh tranh thủ học thêm đồ họa để tìm việc làm, phụ giúp ba mẹ. Khi đoàn đến thăm, ông Nguyễn Lai, ba Khuê, nghẹn ngào: “Mọi người đến thăm gia đình rất cảm động. Đây là nguồn động viên giúp Khuê vượt qua khó khăn, sống tốt”.
Sẵn sàng đối diện với thách thức để khẳng định mình vẫn có ích là điều chúng tôi cảm nhận được ở những CN bị tai nạn lao động khi theo chân LĐLĐ TP đến thăm họ. Nhìn chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (quận 9, TP HCM) dùng đầu cánh tay trái bị cụt giữ chặt chiếc sọt, bàn tay kia thoăn thoắt đan dây, ai nấy cũng thán phục. Chị Xuyến trước đây là CN Nhà máy Dệt Việt Thắng, trong một lần đưa tay gỡ đoạn sợi thừa, chị bị máy cuốn mất 1/3 cánh tay trái. Mặc cảm sau tai nạn, chị sống khép mình. Cuộc đời chị tưởng đâu bước sang trang mới khi chị được một người đàn ông yêu thương. Hạnh phúc chẳng tày gang thì chồng chị bỏ đi theo người khác. Một nách nuôi con thơ, chị làm đủ nghề từ bán chuối chiên đến cắt vải, đan sọt để kiếm sống. Khó khăn vẫn còn nhưng ngôi nhà của 2 mẹ con luôn đầy ắp tiếng cười lạc quan.
“Được thấy, được nghe những câu chuyện thực, những trăn trở của các mảnh đời bất hạnh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Điều đáng trân trọng là không ai đầu hàng số phận, vẫn nỗ lực vươn để trở thành người có ích” - bà Trần Kim Yến,
Phó Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, nhận xét.
Bình luận (0)