Có vẻ như Bé Năm không quan tâm đến lời phiên dịch mà chỉ chú ý đến chữ “Warning” trong tờ giấy. Cậu ta đứng dậy, giật phắt tờ giấy trong tay chuyên gia nước ngoài xé vụn rồi vứt xuống đất, gầm lên: “qua-ning cái... tao!”. Ngay lập tức vị chuyên gia sấn tới.
Tôi và mấy anh em đứng gần đó vội vàng giữ chặt hai bên. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới ngăn được trận ẩu đả. Kim tổng quản đỏ mặt tía tai “xổ” một tràng. Cô phiên dịch líu lưỡi dịch lại nhưng có lẽ cô sợ nếu dịch sát nghĩa thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa nên nói rằng hành vi xé thông báo của cấp trên sẽ bị xử lý thích đáng. Bé Năm mặt hầm hầm bước lại chỗ đặt bình nước ở cửa xưởng, rót mấy ly uống ừng ực liên tục để hạ hỏa.
Mấy hôm trước, Bé Năm đi trễ vì con bị bệnh phải nhập viện cấp cứu. Cậu ta có gọi điện thoại báo cho trưởng xưởng, là tôi. Và tôi cũng đã báo cáo với Kim tổng quản. Ông ta không nói gì. Khi Bé Năm vô làm việc, ông quăng cho cậu ta một cái “warning” (được hiểu là “cảnh cáo”). Theo quy định của công ty, người lao động nào nhận được 2 cái tờ giấy đó trong tháng thì sẽ bị cắt hết phụ cấp, thưởng chuyên cần. Nếu nhận 3 cái thì sẽ bị đuổi việc.
Công ty của tôi là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh giám đốc là người nước ngoài thì có đến gần chục “chuyên gia” làm việc ở các xưởng sản xuất và các bộ phận quan trọng. Trong số các vị ấy chỉ có một người nói được tiếng Việt bập bõm, vài người nói tiếng Anh giọng “miền Nam nước Mỹ”, tức là nói rất khó nghe. Còn lại thì họ chỉ sử dụng tiếng... của họ, muốn truyền đạt gì phải thông qua phiên dịch.
Từ trước tới giờ, tại công ty xảy ra không ít chuyện cười ra nước mắt về việc “ông nói gà, bà nói vịt”, quản lý nói thì quản lý nghe, công nhân nói mặc công nhân nghe. Rốt cuộc, họ nhìn mặt nhau mà xử sự. Bên này nghe bên kia to tiếng, mặt đỏ lên thì suy diễn rằng “nó chửi mình”, thế là thành lớn chuyện.
Quả là sự dị biệt về ngôn ngữ đã gây rất nhiều hiểu lầm, tranh chấp. Chuyện ngọn lửa nhỏ thành đám cháy to đâu phải là điều hiếm thấy?
Bình luận (0)