Nhằm phát huy, tập trung trí tuệ của các đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng như các ý kiến của chuyên gia đóng góp các vấn đề trọng tâm, trọng điểm về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028, chiều 30-11, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 10 diễn đàn chuyên đề.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho công nhân khó khăn tại lễ khai mạc “Tháng Công nhân” lần thứ 15-2023. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hướng về cơ sở, vì người lao động
Tham luận tại diễn đàn số 1 có chủ đề "Đổi mới công tác tập hợp, vận động người lao động (NLĐ) vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở", bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã nêu kinh nghiệm và giải pháp đẩy mạnh phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo bà Thúy, công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ LĐLĐ TP HCM đã ban hành nghị quyết, kế hoạch với mục tiêu phấn đấu kết nạp mới 500.000 đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở 100% các DN có từ 25 lao động trở lên. Qua 5 năm thực hiện, Công đoàn thành phố đã thành lập 6.741 Công đoàn cơ sở mới, trong đó 6.523/6.867 DN có từ 25 lao động trở lên (đạt 95%); kết nạp mới 617.241 đoàn viên (đạt 116,5% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra), riêng khu vực ngoài nhà nước đã kết nạp 570.730 đoàn viên. Để đạt được những kết quả trên, công tác chỉ đạo, điều hành rất tập trung; chủ động phát hiện những vấn đề bức thiết của NLĐ, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, sâu sát nắm bắt đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng lao động để bổ sung những nội dung mới, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên - lao động. Ngoài ra, công tác tuyên truyền vận động không chỉ tập trung đối tượng là NLĐ mà còn phải quan tâm đến người sử dụng lao động để họ hiểu được chức năng của tổ chức CĐ. "Hoạt động Công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, cần kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên - lao động để đề ra những hoạt động phù hợp với thực tiễn" - bà Kim Thúy nói.
Các hoạt động chăm lo dành cho cho đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được duy trì hiệu quả. Trong giai đoạn 2018 - 2023, chương trình "Tết sum vầy" đã có hơn 6,2 triệu đoàn viên - lao động được DN, Công đoàn cơ sở chăm lo với tổng kinh phí 3.089 tỉ đồng; Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) đã phát vay hơn 5.000 tỉ đồng cho hơn 300.000 khách hàng là đoàn viên, công nhân, lao động, hộ nghèo; trong dịch COVID-19, CEP đã giảm lãi suất cho 630.287 khách hàng là đoàn viên - lao động với tổng số tiền là 85,92 tỉ đồng...
Thương lượng tập thể cần thực chất
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống NLĐ, góp phần duy trì sự ổn định xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Để đạt được mục tiêu này, tổ chức Công đoàn Việt Nam - chủ thể đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ, giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Hưng đánh giá hoạt động thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể có sự gia tăng về số lượng và từng bước thực chất hơn (giai đoạn 2018 - 2022 đã có hơn 14.000 bản thỏa ước được ký mới), đưa tổng số thỏa ước được ký kết đến hết năm 2022 là 42.000 bản, bao phủ hơn 6,19 triệu lao động. Ông Hưng nhìn nhận để có được những kết quả trên, tổ chức Công đoàn đã đóng một vai trò quan trọng, từ khâu tham gia xây dựng chính sách đến trực tiếp tham gia vào các cơ chế quan hệ lao động. Thực tiễn cho thấy tổ chức Công đoàn đã khẳng định được vai trò trong các hội đồng, ủy ban để nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi của NLĐ; chủ động tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các DN, nhất là DN ngoài khu vực nhà nước. Dù vậy, ông Hưng cho rằng hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể vẫn còn mang tính hình thức; thương lượng tập thể ngành và nhóm DN còn nhiều khó khăn và chưa trở thành cơ chế phổ biến; hỗ trợ trực tiếp cho các bên tiến hành đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp còn rất hạn chế. "Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, tập trung xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam cần phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động" - ông Hưng khuyến nghị.
Cán bộ LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH cho công nhân. Ảnh: CAO HƯỜNG
Tăng khả năng thích ứng
Ông Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội), cho biết Công đoàn Việt Nam có hơn 11 triệu đoàn viên, trong đó có không ít đoàn viên là những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, sự tham gia của các đoàn viên trong các hoạt động nêu trên còn khá hạn chế.
Theo ông Tiến, đại diện là vấn đề sống còn của Công đoàn Việt Nam, nhất là ở Công đoàn cơ sở. Dù vậy, trong quá trình thực hiện vai trò của mình, nhiều Công đoàn cơ sở chưa phát huy hết hiệu quả những thế mạnh của tổ chức để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ Công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới nhiều nơi còn yếu, còn biểu hiện hành chính hóa.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tổ chức Công đoàn, cụ thể là Ban Chấp hành Công đoàn các cấp phải phát huy tốt vai trò đại diện của mình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của NLĐ, phản ánh trung thực và kiến nghị những vấn đề chưa phù hợp từ thực tiễn đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để kịp thời xử lý, điều chỉnh. Tổ chức Công đoàn phải chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật để pháp luật được xây dựng từ ý kiến của NLĐ. Lấy ví dụ về vấn đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) còn ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến không ủng hộ. Nhưng với sự kiên trì theo đuổi, bảo vệ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thống nhất thông qua luật, trong đó có quy định "Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội" (khoản 4, điều 80), qua đó tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn đối với đoàn viên, nhất là những NLĐ có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
"Công đoàn phải làm tốt nhiệm vụ đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh; theo đuổi, bám sát đến cùng những vấn đề mà mình đề xuất trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách về những vấn đề liên quan" - ông Tiến khuyến nghị.
Tổng Bí thư sẽ dự và phát biểu chỉ đạo
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028), diễn ra từ ngày 1 đến 3-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (TP Hà Nội), với sự tham dự của 1.100 đại biểu chính thức. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, NLĐ cả nước. Tại phiên trọng thể ngày 2-12, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tham dự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Bình luận (0)