Nếu xử lý không khéo các mối quan hệ chằng chịt này, bạn sẽ rất dễ mang tiếng là thiên vị, không công bằng; còn nếu như phớt lờ các “chỉ dấu thân quen” đó thì đôi khi sẽ ảnh hưởng đến công việc, hiệu quả quản lý của mình.
Vậy trong trường hợp này, nếu bạn là cán bộ quản lý thì phải làm sao?
Trước tiên, bạn cần phải có quy chế làm việc rõ ràng của bộ phận mình. Trong quy chế đó, phải nêu cụ thể quyền và nhiệm vụ của mỗi người. Sẽ hiệu quả hơn nếu mỗi phòng, ban lớn được phân chia thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một người đứng đầu điều hành, quản lý trong phạm vi nhân sự và nhiệm vụ của mình.
Trong phân công nhiệm vụ, tránh để chồng chéo. Ai làm việc gì, địa bàn ở đâu, quyền hạn đến đâu phải được nêu rõ. Điều này sẽ tránh được sự so bì hoặc tranh chấp trong nội bộ.
Nếu trong bộ phận của bạn có “con ông này, cháu bà kia” thì tốt nhất là nên hạn chế tối đa cách làm việc riêng tư với “các mối quan hệ thân quen” này để tránh bị dòm ngó, soi mói, lời ra tiếng vào.
Một điều khá tế nhị là xử lý sai phạm đối với những cá nhân “thân quen” này. Nếu bạn nương tay, chắc chắn tập thể sẽ không phục. Từ chỗ không phục, nhân viên sẽ không còn toàn tâm, toàn ý làm việc. Do vậy, nếu họ sai thì nhất định bạn phải xử lý nghiêm theo quy định đã ban hành trước đó. Nếu muốn xử lý nghiêm thì bạn phải có quy chế thưởng, phạt rõ ràng.
Một điều không thể bỏ qua, nếu không nói là rất quan trọng, là bản lĩnh của người quản lý, lãnh đạo. Nếu không có bản lĩnh, bạn sẽ rất khó để trở thành người công tâm, công bằng. Bạn cần lưu ý là trong tình cảm thì có thể yêu người này, ghét người kia nhưng khi đánh giá công việc thì phải công khai, minh bạch, rõ ràng, công tâm và công bằng. Chỉ có công tâm và công bằng thì bạn mới có thể tập hợp mọi người chung quanh mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bình luận (0)