Gặp ông Phạm Việt Hồng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) - mới đây, chúng tôi hỏi thăm: “Lớp học bổ túc văn hóa (BTVH) của công ty anh sao rồi, có “rụng” ai không?”. Ông Hồng cười: “Công nhân (CN) vẫn lên lớp đều, chưa ai xin nghỉ. Tôi làm nghiêm lắm, không ai dám nghỉ đâu”.
“Bắt” công nhân đi học
Lớp học BTVH của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM khai giảng từ cuối năm 2014 với 28 học viên theo học lớp 10. Ngày khai giảng, tất cả học viên đều mặc áo trắng tinh tươm, khác hẳn bộ đồng phục tối màu hằng ngày. Nhiều người cảm thấy bồi hồi vì rất lâu họ chưa đến trường, xen lẫn niềm vui là sự lo lắng vì không biết có thời gian đi học không, có tiếp thu được bài vở như hồi còn trẻ không? Tuy nhiên, hình ảnh vị giám đốc công ty bước lên bục đánh 3 hồi trống. Tiếng “Tùng, tùng, tùng...” làm mọi người có mặt trong buổi khai giảng cảm thấy xúc động.
Sau khi hoàn thành thủ tục, ông Hồng tặng sách giáo khoa, tập, bút... cho 28 CN đi học. Không chỉ thế, ông còn đến bắt tay từng CN và động viên họ cố gắng học để có kiến thức, sau này làm việc tốt hơn. “Học chính là chìa khóa để phát triển. Khi có kiến thức, các anh chị làm gì cũng tốt. Không có gì phải e ngại, có thể CN không học tốt bằng các em học sinh phổ thông vì còn phải lo công việc, gia đình, con cái nhưng phải cố gắng, mọi khó khăn rồi cũng qua. Người biết hướng dẫn cho người chưa biết, người giỏi kèm người dở để cùng nhau học tốt” - ông Hồng nói với CN.
Anh Trần Văn Sơn, bảo vệ Nông trường Phạm Văn Cội (thuộc Công ty TNHH MTV Bò sữa TP HCM), kể ngày xưa anh từng học đến lớp 12 nhưng vì ham chơi nên bỏ giữa chừng. Rồi bao lần anh muốn đi học lại nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền, vướng bận vợ con nên dự định không thành. “Trước sự nhiệt tình của giám đốc, tôi vô cùng xúc động và hứa sẽ cố gắng học tốt, lấy được tấm bằng tú tài” - anh Sơn tâm sự.
Không có gì là muộn
Trong chương trình đối thoại do Công đoàn Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) tổ chức, nhiều CN ở bộ phận kho cho biết gặp nhiều khó khăn khi làm việc vì lớn tuổi, không thể sử dụng máy tính mà chỉ chép tay vào sổ. Điều này cũng gây khó khăn cho công ty khi kiểm soát hàng hóa. Các CN đưa ra lý do không có thời gian, bận rộn với gia đình, con cái, không đủ tiền đi học...
Ông Trương Tiến Dũng, tổng giám đốc công ty, nghiêm khắc phê bình: “Các anh không thể lấy lý do lớn tuổi không học được vi tính. Tôi từng biết nhiều người đến 60 tuổi vẫn cắp cặp đi học vi tính, hì hục gõ từng chữ và cuối cùng họ cũng thành công. Không thiếu thời gian cho những việc quan trọng đâu. Công ty có thể hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho các anh. Đi học nâng cao tri thức và người thụ hưởng đầu tiên là bản thân các anh chứ không phải doanh nghiệp. Khi có kiến thức, có kỹ năng, các anh sẽ làm việc tốt hơn, năng suất cao hơn và thu nhập chắc chắn sẽ được nâng lên”.
Bà Phạm Thị Nguyệt Ánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn, cho biết: “Các CN công ty cử đi học đều được hỗ trợ 100% học phí. Với những CN tự đi học, công ty cho vay tiền để đóng học phí, sau đó tùy mức độ để xét hỗ trợ. Trong năm 2014, công ty đã cho 3 CN mượn 15 triệu đồng để đóng học phí”.
Thực tế, ở công ty có nhiều CN chịu khó đi học và đã thành công, thăng tiến. Từ một CN trực tiếp làm việc ở xưởng, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyết hiện là phó phòng kế hoạch đầu tư hay chị Hồng Tố Linh cũng là CN trực tiếp nay được bố trí làm quản đốc xưởng đông lạnh Thắng Lợi...
Bình luận (0)