Apple có thể dùng các kĩ thuật, phương pháp và hệ thống trong bản quyền này để tạo ra một tấm kính mỏng ở dạng cong (và cả các hình khối khác) mà không cần đến những hóa chất nguy hiểm hoặc các công đoạn chế biến tốn thời gian.
Cụ thể hơn, Apple có thể bẻ cong lớp kính bằng cách dùng thêm các công cụ hiệu chỉnh kết hợp với nhiệt độ cao trong một quy trình mang tên "glass slumping process". Đây thực chất là một kĩ thuật chế biến đã xuất hiện từ trước trong nền công nghiệp thủy tinh. Nó bao gồm 5 giai đoạn: nung nóng, làm ướt, làm nguội, luyện và cuối cùng là đưa nhiệt độ tấm kính xuống bằng với nhiệt độ phòng. Trong quá trình này, kính sẽ được tạo hình bằng một bộ khuôn thích hợp.
Kết quả là chúng ta có được một tấm kính mỏng với chất lượng cao nhưng không tốn nhiều thời gian xử lí, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí về sức người, năng lượng... Ngoài việc tạo ra các tấm kính cong, bằng sáng chế của Apple còn có thể áp dụng để chế biến nhiều loại hình dạng khác tùy nhu cầu.
Apple ghi trong bằng sáng chế của mình rằng kĩ thuật nói trên có thể được áp dụng cho các thiết bị điện tử nhỏ, ví dụ như làm màn hình cho các điện thoại di động. Các thiết bị với kích cỡ lớn hơn cũng có thể được áp dụng mặt kính với hình dạng đặc biệt, chẳng hạn như máy tính bảng, màn hình máy tính và TV. Apple không nói cụ thể khi nào và dòng sản phẩm nào của mình sẽ được áp dụng công nghệ chế biến kính nói trên.
Bình luận (0)