Chương trình tin học có khả năng viết truyện tự động khá thuyết phục hiện nay theo tạp chí khoa học Anh New Scientist là Scheherazade - phỏng theo tên mỹ nhân của “Ngàn lẻ một đêm”. Chương trình này do chuyên gia máy tính Mỹ Mark Riedl và cộng sự tại Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta - Mỹ phát triển. Scheherazade yêu cầu nhập vào những hành động đơn giản rồi sử dụng nền tảng ưu thế đám đông để gia công và tổng hợp lại nhằm biến những hành động nhập vào thành những kịch bản hợp lý.
Ảnh minh họa.
Hai chương trình viết truyện khác được nhiều người quan tâm là Flux Capacitor của nhóm chuyên gia tại ĐH Dublin (Ireland) và The What-If-Machine của các nhà khoa học Anh tại ĐH London. Nhờ vào 2 phần mềm nói trên, một máy tính có thể vừa phác thảo mối liên hệ hợp lý giữa 2 yếu tố có vẻ như tương phản trong đời sống của một nhân vật vừa có thể đảo lộn các dạng thức cốt truyện khác nhau. The Flux Capacitor sử dụng công cụ tạo ẩn dụ để kết hợp ý tưởng, trong khi The What-If Machine xây dựng hệ thống tạo ra chuyện kể tương tự Walt Disney và ý tưởng mô phỏng theo Franz Kafka.
Tháng 7 năm ngoái, báo Anh The Guardian nêu sáng kiến mang tính giáo dục của nữ chuyên gia Úc Margaret Sarlej tại ĐH New South Wales, nhà thiết kế chương trình hệ thống kể chuyện đạo đức Moral Storytelling System. Hệ thống này được phát triển và hiện đại hóa căn cứ trên 6 câu chuyện kể chính trong tác phẩm ngụ ngôn của Aesop, thời Hy Lạp cổ đại. Bà Sarlej giải thích: “Đôi khi có thể chúng ta gặp khó khăn khi kể với trẻ nhỏ chuyện dưới biển trong lúc chúng chỉ quan tâm đến tàu vũ trụ, người ngoài hành tinh. Một chương trình có thể tự động sáng tác những câu chuyện mang tính đạo đức tương tự với nhiều thông số khác nhau có thể đáp ứng lợi ích cho trẻ em khiến các em thích học hỏi hơn”.
Bình luận (0)