Bản thân trò chơi Project Entropia cũng đã sở hữu một nền kinh tế sử dụng tiền thật ngay từ ngày nó ra đời.
Năm ngoái, một khu giải trí không gian ảo được xây dựng trong game và một game thủ đã không ngần ngại bỏ ra đến 100.000 USD để mua lại.
![]() |
Thế giới giải trí ảo Project Entropia |
"Thật khó tin khi nghĩ rằng giờ đây người ta có thể kiếm và bán đồ ảo trong game rồi ngay sau đó đi ra ngoài rút tiền để ăn tối cùng từ một ngân quỹ", Jon Jacobs, chủ của khu giải trí ảo nói trên bày tỏ sự thán phục đối với nhà sản xuất.
Anh chàng này cũng sở hữu một nhân vật được gọi là Neverdie trong game, hiện vẫn trong quá trình phát triển mảnh "bất động sản" của mình thành một câu lạc bộ giải trí ảo ban đêm và một địa điểm kinh doanh băng đĩa nhạc cho toàn thế giới Project Entropia.
"Chúng tôi đang thu hẹp đến mức thấp nhất khoảng cách của thế giới hiện thực với những gì diễn ra trong game", Jan Welter, người sáng tạo ra trò chơi, phát biểu. "Sử dụng chiếc thẻ, người chơi có thể đăng nhập kiểm tra tài khoản tiền ảo của mình và rút chúng ra để lấy tiền thật".
Project Entropia là một trò chơi nhập vai trực tuyến cho phép game thủ sống một cuộc sống hoàn toàn biệt lập với đời thực trong vai nhân vật mà họ chọn lựa.
Những avatar này (nhân vật đại diện cho người sở hữu chúng - theo cách gọi của giới chơi game) lang thang sống trên một hành tinh mang tên Calypso có 2 lục địa cách biệt cùng những thành phố rộng lớn.
Về cơ bản, đây là một trò chơi miễn phí. Nhưng Jan Welter nói thêm: "Bạn có thể tưởng tượng mình đang đứng giữa đường phố London, hoặc rảo bước đến bất cứ nơi nào mình muốn mà không cần tốn lấy một xu. Nhưng nếu muốn giải trí, bạn phải 'xùy' tiền ra, điều này hoàn toàn giống những gì diễn ra trong thế giới thực".
Nền kinh tế Entropia vận hành bằng cách cho phép người chơi đổi những đồng đô la thật sang đơn vị tiền tệ trong game PED (Project Entropia Dollar) và sau đó đổi ngược lại sang tiền thật. Cứ 10 PED có giá trị tương đương với 1 USD.
Game thủ có thể kiếm tiền bằng cách tích lũy PED qua trao đổi mua bán hàng hóa, đất đai và các công trình xây dựng trong thế giới ảo.
Ví dụ, một người muốn hóa thân thành thợ săn trong game sẽ kiếm tiền nhờ bẫy thú lấy lông. Những bộ lông mượt mà này sau đó sẽ được bán cho một cô thợ may ảo nào đó để cắt thành những bộ cánh đẹp mắt và bán cho người có nhu cầu.
MindArk, công ty sản xuất trò chơi này, cũng kiếm được nhiều tiền bởi toàn bộ các dụng cụ nhân vật sử dụng trong game đều giống như trong xã hội thực và đều có lúc hỏng hóc cần sửa chữa. Nếu người thợ săn muốn tiếp tục dùng khẩu súng của mình để kiếm ăn, anh ta sẽ phải trả tiền bảo dưỡng cho MindArk.
Năm ngoái, 165 triệu USD đã chảy vào túi MindArk theo cách đó và công ty này hy vọng con số sẽ được tăng gấp đôi vào cuối năm nay.
Đối với nhiều người, những trò chơi như Entropia là một nguồn thu nhập đáng kể. Tháng 12-2004, một nhân vật có tên Deathifier đã mua lại một hòn đảo châu báu ảo với giá 26.500 USD.
Người sở hữu nhân vật này là game thủ David Storey, người Australia, sau đó đã thu hồi được toàn bộ số vốn nói trên chỉ trong vòng một năm bằng cách bán "đất" cho những nhân vật khác xây nhà và đánh thuế những người muốn săn bắn hoặc khai thác tài nguyên trên hòn đảo.
Vào thời điểm ấy, vụ mua bán này đã được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness với số tiền thật nhiều nhất được bỏ ra để mua đồ ảo trong game.
Nhưng ngay sau đó, thương vụ 100.000 USD cho trạm không gian của Jacobs đã ghi tên trở thành kỷ lục mới.
Bình luận (0)