icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

DVD-R/RW hay DVD+R/RW?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Khi Hewlett-Packard (HP) đưa ra thế hệ ổ ghi DVD mới (thế hệ thứ 2) HP DVD200i và HP DVD200e trong tháng này, 3 công nghệ ghi DVD bằng máy vi tính đã có mặt tại thị trường Việt Nam.

Đầu tiên là DVD-RAM (Panasonic), rồi DVD-R/-RW (Pioneer) và mới nhất là DVD+R/+RW (HP). Các đầu ghi này có giá chỉ tương đương một ổ ghi CD-R 2x cách đây vài ba năm (Pioneer DVR-A04 DVD-R/-RW: 440 USD, HP DVD200i DVD+R/+RW: 582 USD). Giờ đây, bạn có thể làm hay copy các phim DVD-Video, lưu trữ dữ liệu tới 4,7 GB (tương đương khoảng 4 giờ phim) trên một DVD. Đây là một giải pháp lý tưởng cho các văn phòng, các doanh nghiệp thường xuyên phải sao lưu dữ liệu.

Rối rắm định dạng: Trong lĩnh vực ghi DVD, cho tới nay vẫn chưa có được một chuẩn thống nhất. Ra đời sớm nhất là chuẩn DVD-RAM (năm 1997) của Panasonic. Đây là chuẩn được DVD Forum (Diễn đàn DVD, một tổ chức quốc tế ra đời năm 1995 hiện gồm hơn 160 nhà sản xuất phần mềm và phần cứng tham gia xây dựng các tiêu chuẩn ghi DVD, như Matsushita, Mitsubishi, Pioneer, Philips, Hitachi, JVC, Sony, Thompson, Toshiba, Time Warner...) phê chuẩn. LF-D101 của Panasonic là ổ ghi DVD-RAM đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, DVD-RAM version 2 đã ghi được dung lượng 4,7 GB lên một mặt đĩa. Cho tới nay, DVD-RAM vẫn là định dạng lưu trữ DVD mạnh nhất, về lý thuyết, có thể ghi đi ghi lại trên một DVD-RAM tới 100.000 lần.

Cũng trong năm 1997, cùng với việc phê chuẩn DVD-RAM, DVD Forum phát triển chuẩn mực của định dạng DVD-R (DVD ghi 1 lần) và DVD-RW (DVD ghi được nhiều lần). Cuối năm này, Pioneer đã có các ổ DVD-R đầu tiên.

Giữa năm 2001, một tổ chức phát triển định dạng DVD quốc tế khác gọi là DVD+RW Alliance (liên minh DVD+RW, gồm hơn 50 nhà sản xuất phần mềm và phần cứng như Dell, Hewlett-Packard, MCC/Verbatim, Philips Electronics, Ricoh, Sony, Thompson multimedia, Yamaha...) đã phê chuẩn định dạng DVD ghi nhiều lần DVD+RW (về lý thuyết có thể ghi được 1.000 lần trên một DVD+RW). Sang đầu năm 2002, tổ chức này đưa ra thêm định dạng ghi DVD rẻ tiền là DVD+R (chỉ ghi một lần như CD-R). Microsoft hồi trung tuần tháng 4-2002 đã đồng ý hỗ trợ định dạng DVD+RW trong version Windows sắp tới.

Chọn DVD-R/-RW hay DVD+R/+RW? : Các ổ ghi DVD với các định dạng khác nhau có sự khác biệt khá lớn về giá. Đành là “tiền nào của nấy”, nhưng điều làm người sử dụng hoang mang, ngần ngại nhất vẫn là định dạng nào tốt hơn, phổ biến hơn và đặc biệt là không bị loại bỏ tương lai.

*DVD-RAM: Với version 2 hiện nay, ổ DVD-RAM có thể ghi các đĩa 4,7 GB (một mặt) hay 9,4 GB (hai mặt). Nhờ khả năng bền bỉ, có thể ghi/xóa tới 100.000 lần, DVD-RAM giống như một ổ cứng có tính cơ động cao. Nằm trong chiếc hộp cartridge, DVD-RAM được bảo vệ rất tốt. Thế hệ cartridge Type 2 cho phép mở lấy DVD-RAM ra để đọc trong ổ DVD-ROM hay đầu phát DVD-Video. Nhược điểm của DVD-RAM là ghi chậm, kém tương thích với nhiều ổ DVD-ROM và đầu máy DVD-Video. Đây là định dạng ghi DVD lý tưởng cho việc xử lý dữ liệu khối lượng lớn và cho nhiều môi trường chuyên nghiệp.

*DVD-R/-RW: Hai chuẩn này đều hỗ trợ loại đĩa 4,7 GB (hay 9,4 GB hai mặt) và nói chung là không cần cartridge như DVD-RAM. Tuy nhiên, có một số ổ DVD-R chỉ cho phép ghi tối đa 3,95 GB trên một mặt đĩa. Trong khi DVD-R tương thích tốt với nhiều ổ DVD-ROM và đầu máy DVD gia dụng, DVD-RW hầu như chỉ đọc được trên ổ DVD-R/-RW. Ngoài chuyện chỉ ghi được hơn 1.000 lần (trong điều kiện lý tưởng), cũng giống như CD-RW, DVD-RW phải được xóa sạch hết đĩa trước khi sử dụng lại. Hầu như các ổ DVD-R/-RW thế hệ sau này đều có thể ghi được cả đĩa CD-R/RW. Định dạng DVD-R đã được cả Windows lẫn Mac hỗ trợ.

*DVD+R/+RW: Đây là định dạng ghi DVD mới nhất và cho thấy có nhiều triển vọng tương lai hơn nhưng lại không được DVD Forum hỗ trợ. DVD+R/+RW cũng hỗ trợ đĩa 4,7 GB (9,4 GB hai mặt). So với DVD-R/+RW, định dạng mới này cho phép nâng tốc độ ghi lên cao hơn, hỗ trợ nhiều chức năng ghi đĩa tiên tiến hơn. Chẳng hạn, DVD+RW cho phép biên tập nội dung đĩa sau khi ghi mà không bị mất liên kết, bảo đảm tính liền lạc của dữ liệu. Ngoài ra, với DVD+RW, trong tương lai, bạn còn có thể sử dụng công nghệ kéo và thả file Mount Rainier (gọi là DVD+MRW). Định dạng DVD+R/+RW với version mới nhất hiện nay tương thích với hầu hết ổ DVD-ROM và đầu DVD gia dụng. Khác với DVD-RAM và DVD-R/-RW, định dạng DVD+R/+RW ngay từ đầu đã được thiết kế để tương thích với các ổ DVD-

ROM và đầu DVD gia dụng hiện có.

 

Kết luận: Chọn mua ổ ghi DVD theo định dạng nào, hiện nay vẫn là một câu hỏi rất khó trả lời. Có lẽ, quyết định tùy thuộc vào túi tiền, nhu cầu sử dụng và ý thích của từng người. Cả DVD Forum lẫn DVD+RW Alliance đều không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn ghi DVD. Vì thế, chính thực tiễn thị trường sẽ định đoạt định dạng nào thích hợp hơn.  Sony, thành viên của cả hai tổ chức tiêu chuẩn DVD, đã có một giải pháp dung hòa. Tại hội thảo DVD+RW châu Á-Thái Bình Dương lần thứ ba hồi thượng tuần tháng 7-2002, “đại gia” Nhật Bản này đã trình làng các bộ phận chính của ổ ghi DVD hỗ trợ cả hai chuẩn DVD-R/-RW và DVD+R/+RW, dự kiến sẽ có vào cuối năm nay.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo