Báo cáo của Renesys cho biết thêm, vào thời điểm trận động đất vừa xảy ra, chỉ có khoảng 100 trong tổng số 6.000 đầu mối kết nối mạng Internet của Nhật Bản bị mất liên lạc nhưng cũng chỉ vài tiếng sau đó, các kết nối này đã hoạt động trở lại. Tương tự như vậy, tổng lượng truy cập đến và đi từ Nhật Bản cũng chỉ giảm xuống khoảng 25 Gbps trong khoảng vài giờ sau trận động đất. Một báo cáo khác cho biết, tốc độ của tuyến JPNAP Layer 2 cũng chỉ bị chậm đi khoảng chừng 10%. Điều này trái ngược với những gì đã xảy ra sau trận động đất ở Đài Loan hồi năm 2006 với toàn bộ mạng Internet của cả khu vực bị gián đoạn trong nhiều ngày liền.
Và mạng Internet đã nhanh chóng trở thành “người hùng” thực sự. Ngay sau khi trận động đất xảy ra, Bách khoa toàn thư mở trực tuyến Wikipedia đã lập ra một trang mới để cung cấp thông tin toàn diện đồng thời tiếp tục đăng tải những cảnh báo sóng thần. Chỉ trong vòng 12 tiếng sau đó, trang web này đã được chỉnh sửa, bổ sung tới 500 lần bởi chính những người dân Nhật và của cộng đồng quốc tế.
Cũng với một sự khẩn trương không kém, hãng tìm kiếm Google đã mở thêm một trang web hỗ trợ cả tiếng Nhật và tiếng Anh để mọi người có thể đăng tải lời nhắn, cung cấp thông tin tìm kiếm người thân. Khoảng 24h sau khi sóng thần ập đến, trang web tìm kiếm người thân này của Google đã tiếp nhận hơn 6.000 hồ sơ và con số này vẫn liên tục tăng lên không ngừng trong những ngày sau đó.
Trong những ngày sau thảm họa này, các mạng xã hội như Mixi, Facebook, Twitter, YouTube… đột nhiên trở thành những cứu tinh cho người Nhật trong việc liên lạc với nhau, thông báo tình hình nước Nhật với thế giới bên ngoài bởi hệ thống điện thoại di động thì tê liệt còn điện thoại cố định thì quá tải. Hãng thông tấn ABC News cho biết, họ đã thống kê được khoảng 9.000 đoạn video về động đất và hơn 7.000 đoạn video về sóng thần do chính những người đang phải hứng chịu thảm họa đưa lên YouTube trong vòng 48 tiếng đầu tiên. Còn trên Twitter, các thông điệp mới được mọi người gửi lên cho nhau với tốc độ lên tới 1.200 tweet mỗi phút. Họ đăng những thông tin như số đường dây nóng cho những người không nói tiếng Nhật tới cảnh báo sóng thần, thông báo lịch tàu hỏa và những nơi trú ẩn cho người mất nhà cửa.
Hiroshi Matsuyama, giám đốc một công ty game, còn dùng Twitter để thông báo mở cửa studio của anh cho những người cần chỗ ở. Matsuyama cho hay anh có đủ chỗ cho 30 người và sẽ cho họ bia, đồ uống và xem truyền hình.
Công nghiệp: Nhật "đổ", thế giới "lao đao"
Một trong những vấn đề cấp bách nhất của Nhật Bản lúc này là tình trạng thiếu điện trầm trọng. Báo cáo của Công ty điện lực Tokyo cho biết, họ đã mất ít nhất 30% tổng sản lượng điện do hàng loạt nhà máy điện nguyên tử, nhiệt điện… phải ngừng hoạt động vì sự cố. Bắt đầu kể từ hôm thứ Bảy tuần trước, chính quyền Tokyo đã phải thực hiện việc cắt điện luân phiên. Bắt đầu từ 6h20 sáng đến 10h đêm, mỗi khu vực sẽ bị cắt điện trong vòng 3 tiếng để bù đắp việc thiếu hụt này. Theo dự kiến, việc cắt điện sẽ phải kéo dài thêm nhiều tuần nữa.
Cùng với Toshiba, Sony - hãng điện tử lớn nhất thế giới, đến nay đã phải đóng cửa khoảng 8 nhà máy còn Texas Instruments cũng cho biết họ đã mất 2 nhà máy sản xuất bảng mạch điện tử và chip DLP trong khi Hitachi mất toàn bộ 6 nhà máy và Nikon mất 2 nhà máy…
Theo ước tính, ít nhất cũng phải 6 tuần nữa một số nhà máy mới có thể hoạt động trở lại, thậm chí như Texas Instruments sẽ phải đóng cửa đến tận tháng 7 năm nay.
Bình luận (0)