Thư rác
Khu vực được tính đến trong báo cáo của Symantec ở đây là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Có tên trong danh sách 10 nước phát tán thư rác hàng đầu khu vực gồm Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Úc và Singapore.
Cụ thể Việt Nam chỉ chiếm 2% trong tổng số thư rác được phát tán trên Internet có nguồn gốc từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Con số này không hề thay đổi so với con số được công bố trong năm ngoái. Còn tỉ lệ thư rác có nguồn gốc từ Việt Nam tính chung trên phạm vi toàn cầu hiện vẫn tiếp tục đứng ở mức dưới 1%.
Đứng đầu trong khu vực vẫn là Trung Quốc với 24%. Tương tự như Việt Nam, so với năm ngoái, tỉ lệ thư rác phát tán của Trung Quốc trong năm nay không hề thay đổi. Giữ vị trí số hai trong danh sách là Đài Loan. So với năm ngoái thì năm nay tỉ lệ thư rác có nguồn gốc từ Đài Loan đã tăng thêm 1% đạt tới con số 20%.
Nhật Bản có thể nói là quốc gia đạt mức “tăng trưởng thư rác” ngoạn mục nhất trong năm nay tiếp tục củng cố vị trí thứ 3 đồng thời đe dọa lật đổ Trung Quốc để vươn lên vị trí dẫn đầu. Năm nay tỉ lệ thư rác có nguồn gốc từ Nhật Bản đã đạt tới con số 23% - tăng thêm 3% so với năm ngoái.
Có tổng cộng 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lọt vào danh sách trên đây của Symantec. Trong đó đứng đầu là Malaysia với 4%. So với năm ngoái năm nay Malaysia đã giảm một bậc trong bảng xếp hạng chung cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Xếp thứ hai là Thái Lan với 2%. Cũng với 2% nhưng Việt Nam lại được đứng ở vị trí thứ 3. Đứng cuối là Singapore với vỏn vẹn 1%.
Phát tán mã độc
Đây là chỉ số đánh giá tổng số lượng mã độc được phát tán từ một quốc gia nào đó. Nhìn vào những con số thực trạng bảo mật tại Việt Nam được công bố tại Security World 2009 nhiều người có thể nghĩ rằng với số lượng virus mã độc phát tán như thế Việt Nam hoàn toàn có thể xuất hiện trong danh sách những quốc gia phát tán nhiều mã độc nhất.
Thực tế từ thống kê của Symantec đã cho thấy trên bảng xếp hạng tổng toàn cầu của Symantec thì Việt Nam đứng ở vị trí 57. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí 19 toàn cầu), Malaysia (20), Philippines (28), Indonexia (31) và Thái Lan (40).
Lừa đảo trực tuyến
Việt Nam không hề có tên trong danh sách những quốc gia tàng trữ website cũng như mục tiêu hàng đầu của bọn tội phạm lừa đảo trực tuyến ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí là quốc gia có tỉ lệ tấn công lừa đảo trực tuyến và tàng trữ nhiều website phục vụ lừa đảo trực tuyến nhất ở khu vực. Quốc gia này chiếm tới 69% trong tổng số website, vụ tấn công lừa đảo trực tuyến có nguồn gốc từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Mục tiêu tấn công hàng đầu của các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến có nguồn gốc từ Trung Quốc chính là các mạng xã hội.
Cũng có chung một mục tiêu với Trung Quốc là các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến đến từ Guam – quốc gia xếp ở vị trí thứ hai với tỉ lệ 25% trong tổng số website, vụ tấn công lừa đảo trực tuyến từ Châu Á Thái Bình Dương.
Đứng ở vị trí số 3 là Hàn Quốc với tỉ lệ chỉ có 2% nhưng mục tiêu tấn công cao cấp hơn hai quốc gia đứng đầu. Tội phạm lừa đảo trực tuyến ở Hàn Quốc chủ yếu nhắm đến tấn công vào các website ngân hàng, tổ chức tài chính.
Khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia lọt vào danh sách này gồm Thái Lan (vị trí số 6), Malaysia (vị trí số 8) và Indonexia ở vị trí số 9. Mục tiêu tấn công chủ yếu của tội phạm lừa đảo trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á chủ yếu là các website thanh toán trực tuyến.
BOT PC
Đây còn gọi là những PC bị lây nhiễm BOT – một loại mã độc cho phép tin tặc có thể từ xa điều khiển PC đó qua mạng Internet thực hiện bất kỳ hoạt động tấn công nào mà chúng muốn như phát tán thư rác, tấn công lừa đảo trực tuyến, tấn công từ chối dịch vụ …
Trung Quốc tiếp tục đứng ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng BOT PC ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhưng tỉ lệ PC bị nhiễm BOT của quốc gia này đã giảm đáng kể chỉ còn khoảng 43% so với trước đây là 78%.
Đây là con số đáng mừng cho Trung Quốc nhưng lại là một tín hiệu xấu với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này cũng có nghĩa là tỉ lệ PC bị nhiễm BOT ở một số các quốc gia khác trong khu vực đang có dấu hiệu tăng lên. Ví dụ, Đài Loan đứng ở vị trí thứ hai với 15% - tăng 8% so với trước đây. Hàn Quốc cũng có mức “tăng trưởng” tới 6%.
Khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia lọt vào bảng xếp hạng này gồm Maylaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Trong đó đứng đầu là Malaysia với 4% - tăng thêm 3% so với con số của một năm trước đây.
Nếu tính theo tiêu chí thời gian sống trung bình của một BOT PC thì Thái Lan dẫn đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 6 ngày. Trung Quốc khi đó tụt xuống vị trí gần cuối cùng với chỉ 2,6 ngày. Mức phổ biến trong khu vực là 4 ngày.
Phát tán hiểm họa trực tuyến
Đây là bảng xếp hạng đánh gia tổng hợp các hoạt động phát tán hiểm họa trực tuyến của các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả thư rác, BOT PC, phát tán mã độc …
Xếp ở 3 vị trí dẫn đầu gồm Trung Quốc chiếm tỉ lệ 38% trong tổng số các hoạt động độc hại trực tuyến trong khu vực. Đửng ở các vị trí thứ hai và thứ 3 là Hàn Quốc (14%) và Đài Loan (12%).
Trong bảng xếp hạng chung này khu vực Đông Nam Á cũng góp mặt với 4 đại diện nằm ở 4 vị trí cuối cùng trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu khu vực về phát tán hiểm họa trực tuyến. Cụ thể gồm Thái Lan – thứ 7 ở khu vực và thứ 1 ở Đông Nam Á. Tiếp đến là Malaysia, Singapore và Philippines.
Những con số trên đây đã cho thấy ở Việt Nam hiểm họa thư rác là hiểm họa lớn nhất đối với người dùng mạng Internet. Còn về các hoạt động phát tán hiểm họa trực tuyến khác thì Việt Nam chưa thực sự có tên có tuổi trong khu vực.
Có thể nói đây là một tin vui đối với việc phát triển thương mại điện tử cũng như đảm bảo an ninh an toàn thông tin nhưng cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản với ngành bảo mật. Mục tiêu của ngành bảo mật là phải làm thế nào để chúng ta không chỉ giữ vững được vị trí mà còn phải giảm hạng trong bảng xếp hạng của Symantec nhất là trong điều kiện tình hình kinh tế khủng hoảng tạo điều kiện cho sự bùng nổ của các hoạt động độc hại trên phạm vi toàn cầu.
Các bộ ban ngành liên quan đều đang nỗ lực xúc tiến khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường bảo mật cũng như an toàn thông tin như xúc tiến xây dựng chuẩn quốc gia, tăng cường phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng để răn đe và trấn áp tội phạm trực tuyến …. Mục tiêu hướng tới trong tương lai là một xã hội an toàn hướng tới phát triển mạnh thương mại điện tử - lĩnh vực được dự báo là sẽ phát triển mạnh trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Bình luận (0)