Như Báo NLĐ từng phản ánh trong nhiều số báo trước đây, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt vụ “khai thác”, mua bán trái phép cáp quang biển, nhất là ở khu vực ĐBSCL.
Tấp nập như...khai thác cá!
Mới đây nhất, ngày 22-5, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát hiện và bắt giữ 3 tàu đánh cá chở 40 tấn cáp quang “khai thác” trên biển. Trước đây, công an tỉnh này cũng đã từng phát hiện, thu giữ 120 tấn cáp quang biển “khai thác” và mua bán trái phép trên địa bàn tỉnh.
Hàng loạt vụ vận chuyển, mua bán cáp quang biển quy mô lớn cũng liên tục xảy ra ở ĐBSCL. Đầu tháng 5-2007, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phát hiện 2 tàu đánh cá chở 80 tấn cáp quang. Làm việc với các ngành chức năng, một trong 2 chủ tàu khai nhận, số cáp quang này được trục vớt trong lúc đang đánh bắt hải sản trên biển Đông. Trước đó, vào trung tuần tháng 4- 2007, tại khu vực cảng cá Trần Đề - Sóc Trăng, công an tỉnh cũng đã bắt giữ một tàu đánh cá đang vận chuyển gần 100 tấn cáp quang vào đây để... bán phế liệu!
Vụ “khai thác” trên 400 tấn cáp quang biển phát hiện ngày 9-3 ở Bạc Liêu đến nay vẫn chưa xử lý được. Công an tỉnh Bạc Liêu bất ngờ kiểm tra Xí nghiệp Bột Cá (khu vực 4, thị trấn Gành Hào), phát hiện một số đối tượng đang mua bán trái phép cáp quang với số lượng lớn trên 3 chiếc tàu đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lực lượng công an xác định Huỳnh Hữu Điền (Chủ nhiệm HTX Phát Tài, thị trấn Gành Hào) là người đứng ra ký hợp đồng vận chuyển với 3 chiếc tàu này. Trước đó, Điền đến xin giấy của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 để tiến hành truy tìm xác 3 chiếc tàu chìm và lãnh đạo Quân khu 9 nêu rõ ý kiến “khi nào tìm thấy xác tàu phải báo cáo”. Thực chất, Điền cầm tờ giấy này để qua mặt các ngành chức năng để ký hợp đồng vận chuyển trái phép cáp quang với 3 chiếc tàu do 3 chị em ruột của Lê Thị Kim Liên (cùng ngụ tại phường 12, TP Vũng Tàu) làm chủ. Các đối tượng khai nhận toàn bộ cáp quang được họ “khai thác” trên biển cách Vũng Tàu khoảng 120 hải lý.
Chiều 28-5, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, trung tá Ngô Hoàng Mẫu, Phó Trưởng Phòng CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bạc Liêu, cho biết do đây là lần đầu tiên tỉnh này phát hiện một loại hàng hóa hoàn toàn mới với số lượng lớn, nên cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an. Đã hơn 2 tháng trôi qua, công an tỉnh chỉ nhận được công văn trả lời: Bộ sẽ chủ trì tổ chức một cuộc họp gồm đại diện các bộ, ngành liên quan để làm rõ nguồn gốc số cáp quang và giải pháp xử lý.
Thiệt hại 4 triệu USD
Thông tin liên lạc từ VN đi quốc tế được truyền tải trên 2 tuyến cáp quang biển là TVH và SMW3; 3 tuyến cáp đất liền là CSC, VNPT-China Unicom và TPHCM- Phnom Penh cùng hệ thống thông tin vệ tinh Intelsat. Trong đó, 2 tuyến cáp quang biển truyền tải đến trên 83% dung lượng thông tin liên lạc. Lưu lượng thông tin liên lạc của tất cả các ngành, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại VN, cũng đều chạy trên 2 tuyến cáp biển này.
Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) Nguyễn Hữu Khánh (đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển TVH) cho biết, do tuyến cáp quang TVH bị cắt trộm (tháng 5-2007), dẫn tới việc phần lớn liên lạc viễn thông VN đi quốc tế phải chuyển đổi sang chạy tuyến cáp quang biển còn lại. Ước tính thiệt hại ban đầu từ việc cáp quang này bị cắt trộm lên tới 4 triệu USD. Các chuyên gia cho rằng hiện chưa có bất kỳ biện pháp nào bảo đảm rằng việc tuyến cáp SMW3 không bị cắt trộm. Các cơ quan chức năng VN cũng đã nhiều lần báo động, nếu tuyến cáp biển còn lại bị cắt trộm! VN nhiều khả năng sẽ bị cô lập thông tin liên lạc với thế giới bên ngoài. “Những việc làm liều lĩnh, vô ý thức của một số người khi cắt trộm cáp quang biển có thể đặt VN vào tình thế bị cô lập thông tin với thế giới”- ông Khánh lo ngại.
Ông Khánh cho biết, VTI và 8 nhà đầu tư khác sẽ tham gia xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế AAG. Tuyến AAG chạy dọc châu Á, nối trực tiếp đến Mỹ, có điểm khởi phát tại TP Vũng Tàu. Dự kiến năm 2008, tuyến AAG đi vào hoạt động sẽ tiết kiệm kinh phí đáng kể, do không phải thuê các tuyến đi vòng và bảo đảm an toàn cho hệ thống.
Quyết liệt ngăn chặn nạn phá hoại cáp quang biển Bộ Bưu chính- Viễn thông vừa có cuộc họp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để tìm biện pháp ngăn chặn quyết liệt những hành động phá hoại cáp quang biển. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển tăng cường tuần tra, bảo vệ các tuyến cáp quang biển. Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh ven biển điều tra, xử lý nghiêm những hoạt động khai thác trái phép cáp viễn thông trên biển. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng vừa có công văn giao Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ địa phương liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành những quy định quản lý việc khai thác, thu mua, buôn bán các loại phế liệu trên biển nhằm hạn chế việc lợi dụng đánh bắt hải sản để xâm hại các loại cáp quang biển. |
Bình luận (0)