Từ thực tiễn của năm 2020, Việt Nam và cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, người ta đã thấy rõ hơn sự bức thiết phải nhanh chóng đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn diện. Theo các chuyên gia, những nước nào sớm tiến hành CĐS thì việc ứng phó với Covid-19 hiệu quả, biến nguy cơ thành cơ hội để chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục và tăng tốc sau dịch bệnh.
3 thách thức phải vượt qua
Trong một cuộc chia sẻ với báo giới mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, năm 2020, chính việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tạo điều kiện cho các ngành, tổ chức, địa phương tăng tốc thực hiện các kế hoạch CĐS đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép - làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế. Năm 2021 với Việt Nam sẽ là năm của CĐS. Đó không chỉ là mệnh lệnh của Chính phủ mà còn từ cuộc sống.
Tại hội nghị "Kinh tế số, CĐS tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA" được tổ chức ở Hà Nội vào tháng trước, TS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã chỉ ra 3 thách thức với nền kinh tế số và quá trình CĐS tại Việt Nam hiện nay. Một là, năng lực công nghệ trong nước chưa cao, chưa làm chủ được những công nghệ cốt lõi của CĐS. Hai là, nhóm doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm 95% - 96% số lượng DN, với mức độ tự động hóa chưa cao, khả năng tài chính có hạn nên ngại tiến hành CĐS. Ba là, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ mới để triển khai CĐS.
Theo một khảo sát nhanh được VINASA thực hiện với trên 500 DN, tổ chức tham gia Ngày CĐS Việt Nam năm 2020 diễn ra tại Hà Nội hồi giữa tháng 12, công cuộc CĐS tại Việt Nam đang đương đầu với nhiều trở ngại. Đó là quyết tâm của lãnh đạo tổ chức chưa cao; chi phí, thời gian, nguồn lực hạn chế; cách thức CĐS thế nào để phù hợp với từng tổ chức và vấn đề bảo mật an toàn thông tin. Nhìn lại thực tế CĐS ở Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia cho rằng khâu đầu tiên là nhận thức vẫn còn bất cập, đa số vẫn chưa hiểu thấu đáo, thậm chí hiểu lệch lạc về CĐS đã làm hạn chế tiến trình đẩy nhanh CĐS.
Theo khảo sát và ghi nhận của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDC (Mỹ), CĐS đang dần trở thành một chiến lược mới của các DN, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức độ tự động hóa chưa cao, khả năng tài chính có hạn nên gặp trở ngại khi tiến hành chuyển đổi số. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Bún Nguyễn Bính (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Phải "đo ni đóng giày"
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngành y tế được Chính phủ đánh giá là tiến hành CĐS mạnh mẽ nhất và đạt kết quả cao, giúp phòng chống dịch hiệu quả được thế giới nhìn nhận. Đặc biệt là trong năm 2020, bắt nhịp với việc Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh chương trình CĐS quốc gia, Microsoft đã có một loạt hoạt động gắn sâu rộng hơn vào lĩnh vực giáo dục. Hãng công nghệ này đã ký kết hợp tác phát triển kho học liệu số do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kế đó là những nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đưa dịch vụ hành chính công lên internet với những đột phá trong năm 2020, sau gần 10 năm (từ 2011) thực hiện việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử.
Được khai trương vào ngày 9-12-2019, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp lúc đó, đến trung tuần tháng 8-2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp được hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến. Sau 1 năm vận hành, tính đến tháng 12, cổng dịch vụ này không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho người dân mà đã giúp xã hội tiết kiệm được tổng chi phí trên 6.700 tỉ đồng/năm. Nhưng có lẽ chuyển biến mà người dân thấy rõ nhất chính là sự tăng vọt của hoạt động thương mại điện tử trong năm 2020, khi mọi người phải giãn cách xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất các giao tiếp trực tiếp với nhau. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết lượng truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng ấn tượng với 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng không nên coi CĐS như một "cây đũa thần" có thể giúp hóa giải mọi vấn đề. CĐS cũng là một thứ phải "đo ni đóng giày" cho từng tổ chức, địa phương. Không có khuôn mẫu chung cho tất cả nhưng sẽ tốt cho tất cả nếu các tổ chức có năng lực và kinh nghiệm đứng ra dẫn dắt công cuộc CĐS xây dựng được những cái khung đa dạng và có thể hiệu chỉnh cho từng đối tượng.
Công cuộc CĐS ở Việt Nam thực tế vẫn chỉ mới ở bước dạo đầu. Người dân cho tới nay vẫn còn phải bổ sung thông tin cá nhân, sự chỉnh sửa, cập nhật vẫn theo kiểu thủ công trên mỗi ứng dụng và tại mỗi cơ quan, tổ chức. Nếu như có được cơ sở dữ liệu dùng chung mà toàn hệ thống đều cùng sử dụng, CĐS sẽ thật sự làm người dân hài lòng hơn. CĐS muốn thiết thực với cuộc sống, phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ và liên thông; tuy nhiên, không có nghĩa là đợi chuẩn bị đủ mới làm một lượt mà cần bắt đầu ngay, làm từng cái một, từ những chuyện bị coi là nhỏ nhặt nhưng đem lại lợi ích cho người dân.
Doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược CĐS phù hợp
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2020 với chủ đề "Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối" do VINASA và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức mới đây ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết hồi tháng 3-2020 trên toàn bộ không gian mạng, số lượt đề cập có chứa từ khóa "chuyển đổi số" chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11 đã có 30.000 lượt. Ông nhấn mạnh để CĐS hiệu quả, mỗi cơ quan, tổ chức, DN cần nhanh chóng hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động CĐS riêng, phù hợp với thực tế của đơn vị. Đối với cấp bộ, CĐS không chỉ là trong hoạt động nội bộ mà là của toàn ngành. Đối với các địa phương, không chỉ là trong hoạt động của cơ quan nhà nước mà là phát triển kinh tế số, xã hội số của cả địa phương mình.
Bình luận (0)