Nhưng thực tế, AI đang được ứng dụng ra sao ở Việt Nam? Trao đổi với chúng tôi tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Hồ Vi Đại Nghĩa, Giám đốc điều hành Công ty Nhất Tiến Chung - Thế Giới Máy Chủ, người tham gia nhiều dự án AI ở Việt Nam, nhận xét AI ở Việt Nam hiện còn ngổn ngang và đầy bất cập. Hai yêu cầu mang tính sống còn là cơ sở dữ liệu lớn (CSDL-Big Data) và cơ sở hạ tầng cho AI còn nhiều thách thức, nói thẳng ra là thiếu thốn và yếu kém.
AI là thuật toán dựa trên xử lý CSDL nên AI sao hoạt động nếu yếu tố cơ bản này? Ở giai đoạn cao hơn là machine learning (máy học) rồi deep learning (học sâu), AI càng cần lượng dữ liệu nhiều hơn để phân tích, tổng hợp. Ngoài ra, nguồn dữ liệu này cần được bổ sung và cập nhật thường xuyên. Chẳng hạn, AI trên smartphone trở nên "khôn" hay không tùy thuộc vào việc hãng sản xuất chuẩn bị CSDL cho nó ra sao trên nền tảng đám mây. Trong khi thực tế ở Việt Nam, AI chỉ được triển khai theo từng dự án, mang tính vụ việc, chủ yếu giải quyết một yêu cầu cụ thể nào đó. Các cơ quan, tổ chức hầu hết không muốn cung cấp tất tần tật thông tin để xây dựng nguồn CSDL của mình thì làm sao nói tới chuyện chia sẻ dữ liệu cho nhau hình thành các nguồn dữ liệu lớn Big Data.
Ở một khía cạnh khác, AI càng siêu, càng ở cấp độ cao thì càng cần có năng lực xử lý điện toán mạnh tương ứng. Bên cạnh các trung tâm dữ liệu lớn cần có những trung tâm điện toán hiệu suất cao, chứ chưa dám mơ tới các máy siêu điện toán, để xử lý các thuật toán của AI. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, gần đây có chia sẻ trên Facebook của mình: Trước khi nói tới AI thì cần phải có trí tuệ tự nhiên. Ông Hồ Vi Đại Nghĩa trăn trở: "Muốn làm được AI thì trước hết cần phải học tới nơi tới chốn. Thử hỏi ngành khoa học dữ liệu ở Việt Nam trước nay được dạy và học ra sao? AI gắn với dữ liệu mà không làm chủ được dữ liệu thì làm sao khiển AI được".
Cũng có một thực tế nữa là hiện hầu hết các dự án AI ở Việt Nam được thực hiện dựa trên các khung AI framework của các ông lớn công nghệ nước ngoài. Ở giai đoạn đầu, đó có thể coi là "khôn ngoan" và "mì ăn liền". Nhưng về lâu dài thì phụ thuộc công nghệ như vậy sẽ lợi bất cập hại.
Dù tiếp cận từ góc độ nào, AI vẫn là chuyện đại sự, cần phải có sự cầm trịch của nhà nước để xây dựng nguồn CSDL dùng chung và các trung tâm điện toán cực mạnh trên nền tảng cơ sở hạ tầng mạng rộng khắp và thông suốt. Đó chính là bộ khung và cốt lõi cho nền tảng AI quốc gia.
Bình luận (0)