Trẻ em hằng ngày tiếp xúc với không gian mạng nhưng chưa có những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân nên có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành, xúc phạm, bắt nạt, dụ dỗ trên mạng. Vì vậy, cần có những biện pháp giúp đỡ và bảo vệ trẻ từ người lớn và cơ quan chức năng.
Nhiều cơ quan vào cuộc
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê từ kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 1-4-2019 và công bố ngày 19-12-2019, Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet. Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 12-13 có sử dụng internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.
Game được xem là một môi trường tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với trẻ em. Trong ảnh: Trẻ đang chơi game .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong quý I/2022, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 trường hợp (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Tổ chức quốc tế bảo vệ và thúc đẩy lợi ích cho trẻ em Plan International tại Việt Nam (một thành viên của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Việt Nam) cho biết trong thời gian qua, họ thường xuyên tiếp nhận các phản ánh về vấn đề mất an toàn thông tin trên môi trường mạng. Trong đó, có cả trường hợp nạn nhân là trẻ em gái bị đánh cắp hình ảnh, đăng tải lên các group kín, kèm theo số điện thoại của nạn nhân (khi kẻ phát tán hình ảnh lấy được từ mạng xã hội của nạn nhân).
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức ở TP Hà Nội ngày 18-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, đã yêu cầu Bộ TT-TT tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, tạo lập niềm tin số cho người dân. Trước đó, ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 830/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025".
Bên cạnh tổng đài miễn phí 111 là đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24/7, Việt Nam còn có Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (vn-cop.vn) chuyên tiếp nhận, thu thập và xử lý các thông tin xấu, độc đối với trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới thuộc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) của Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT) là một tổ chức phối hợp liên ngành, đa tổ chức, trong nước và quốc tế, kết hợp nhà nước và dân sự giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và thực thi các nhiệm vụ phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức xã hội, tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Quyết định 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra một số nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như chủ trì xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo "bộ kỹ năng số"; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy trao đổi hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm an toàn thông tin cho trẻ em tại trường học.
Cần phụ huynh đồng hành
Theo một khảo sát của Google và Qualtrics về ý kiến của cha mẹ đối với sự an toàn trên mạng vào đầu năm 2022, đa số cha mẹ Việt Nam cảm thấy tích cực và tự tin hơn khi cùng gia đình sử dụng công nghệ so với năm ngoái là 81% cha mẹ được khảo sát tin tưởng rằng con họ sẽ trao đổi với họ khi gặp vấn đề trên mạng.
Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh là thói quen lành mạnh trên môi trường kỹ thuật số, quyền riêng tư - bảo mật và nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, cứ 3 phụ huynh thì có 1 người cảm thấy con em mình không hiểu rõ các vấn đề về sự an toàn trên mạng. Độ tuổi trung bình của trẻ sở hữu điện thoại di động là 9 nhưng độ tuổi trung bình của trẻ được trò chuyện về sự an toàn trên mạng lại là 13, nghĩa là có 4 năm thiếu sự trao đổi về an toàn mạng với trẻ. Điều nguy hiểm là lâu nay không ít phụ huynh coi mạng internet như một phương cách "giải cứu" mình khỏi sự đeo bám của con em để có thể rảnh tay làm việc. Các chuyên gia luôn khuyến cáo rằng cho dù áp dụng giải pháp nào, điều kiện quyết định sự thành công trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vẫn là có sự đồng hành của phụ huynh.
Theo các chuyên gia, việc trang bị kỹ năng số cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn cho các em khi tham gia không gian mạng. Tất nhiên, "bộ kỹ năng số" này phải phù hợp với lứa tuổi trẻ em, cả về nội dung lẫn cách thể hiện và phổ cập. Hiện nay, trên internet có sẵn nhiều tài liệu miễn phí hướng dẫn về an toàn trên mạng cho trẻ em mà phụ huynh có thể tải về để tham khảo và nếu thích hợp có thể chia sẻ với con em mình. Chẳng hạn như bộ tài liệu "Hướng dẫn về an toàn trên mạng cho trẻ em" (SafeWeb4Kids) do Liên minh Quyền trẻ em châu Á và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp xây dựng với sự tài trợ của Văn phòng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của UNICEF và một số tổ chức quốc tế khác.
Đây là một tài liệu hữu ích cho cả cha mẹ và trẻ em để hiểu được những lợi ích, tác hại của mạng internet, có những cách phòng tránh nào nhằm bảo vệ trẻ trên môi trường mạng. (Link tải tài liệu: https://www.crcasia.org/wp-content/uploads/2016/11/SafeWeb4Kids_Vietnamese.pdf).
Trang bị an toàn mạng cho hơn 1 triệu học sinh
Tập đoàn Công nghệ Google (Mỹ) với nhiều sản phẩm và dịch vụ trên internet hồi cuối tháng 11-2022 đã tổng kết dự án giáo dục "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google" triển khai ở Việt Nam, cùng các thầy cô giáo trang bị cho trẻ em kiến thức an toàn trên mạng. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án này đã hoàn thành với kết quả 7.443 giáo viên tại 1.115 trường tiểu học ở 4 tỉnh, thành của Việt Nam được tập huấn giảng dạy cho trẻ em kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả. Dự án đã được triển khai đến hơn 1 triệu học sinh.
Bình luận (0)