Trước đó, Samsung đã đưa ra thị trường những dòng smartphone cho thời mà họ gọi là "Kỷ nguyên Live" (the Era of Live) khi người dùng ngày càng hướng đến tương tác và chia sẻ nội dung trực tuyến chuyển đổi từ "Kỷ nguyên Selfie" (the Era of Selfie) trước đây. Đó cũng là xu hướng chung của các nhà sản xuất thiết bị và giải pháp nghe nhìn trên thế giới hiện nay. Ngày 19-9, tại sự kiện YouTube Brandcast tổ chức ở TP HCM, FAP TV đã trở thành kênh YouTube đầu tiên tại Việt Nam được Google trao giải thưởng Người sáng tạo Kim cương khi đạt mốc 10 triệu lượt đăng ký theo dõi (subscriber). Những kênh YouTube Việt Nam nhận được "Nút Bạc" (đạt mốc 100.000 người theo dõi) cũng đang tăng nhanh chóng. Có thể nói rằng chưa bao giờ hoạt động làm video để tung lên mạng xã hội, chủ yếu là YouTube, ở Việt Nam lại sôi động như bây giờ. Người người làm vlog, nhà nhà làm YouTube. Cái mà người ta cần chỉ là ý tưởng, còn các thiết bị và ứng dụng có sẵn phục vụ tận tay.
Tỉ lệ người làm vlog đã gia tăng thành "bão" và chủ yếu theo phong trào. Số người làm cho thỏa đam mê ngày càng ít đi. Động cơ chính để người ta trở thành vlogger, YouTuber là để được nổi tiếng và kiếm tiền, mà thật ra, 2 cái này có liên hệ tương hỗ lẫn nhau, được cái này thì dẫn tới được cái kia. Mặt tích cực của "cơn bão vlog" là cộng đồng có thêm nhiều nội dung để xem, chủ yếu là để giải trí chứ không phải chuyện học hỏi, mở mang kiến thức.
Nhưng đã gọi là "bão vlog" thì hệ lụy mà nó gây ra cho xã hội với những khía cạnh tiêu cực ngày càng nghiêm trọng - tỉ lệ thuận với số lượng nội dung được tung lên mạng.
Do tính phổ cập và đại chúng của loại hình video trên mạng, người làm ra chúng phần đông theo "chủ nghĩa tự nhiên", thích gì quay nấy rồi tung lên mạng. Số người làm vlog bài bản, có ý tứ để cho ra nội dung tốt chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Nổi bật trong cái mặt trái của "bão vlog" chính là cái tính xàm và nhảm của đại đa số nội dung. Phải thừa nhận cái gì càng xàm, càng nhảm thì càng thu hút đông người xem. Chiếm tỉ lệ đông áp đảo vẫn luôn là những người lên mạng xem các video hài để giải trí. Và xàm hay nhảm có thể coi như là phong cách, nó không đồng nghĩa với độc hại, xấu xí chừng nào nó không quá lố và bị sử dụng như thủ pháp để thu hút người xem nhằm phục vụ cho những ý đồ bậy bạ của người tạo ra nội dung. Điều đáng quan ngại nhất vẫn là cái quan niệm kiếm view, kiếm tiền bất chấp mọi giá.
Để cho môi trường mạng an toàn và tốt đẹp cho tất cả, mỗi thành viên mạng nên có ý thức và trách nhiệm. Chúng ta đang hô hào hạn chế xả rác thải ra môi trường sống thì cũng phải giữ gìn cho không gian mạng được sạch sẽ.
Bình luận (0)