Không khí gia đình trong tốc độ "điên cuồng"
Son Lek là Trưởng nhóm bán hàng của Mytel tại chi nhánh Sagaing, bang Sagaing, Myanmar. Trước đây, cô làm việc cho Telenor (hãng viễn thông của Úc) trong 4 năm. Với Son Lek, mỗi ngày đi làm đều có nhiều thứ để tìm hiểu bởi cách thức làm việc ở Mytel hoàn toàn khác Telenor.
"Mytel là liên doanh giữa công ty địa phương và Tập đoàn Viettel của Việt Nam. Khi đầu tư vào đây, họ làm nhiều điều khác biệt. Mytel hiện là nhà mạng duy nhất cung cấp dịch vụ 4G, phủ sóng từ thành thị cho tới nông thôn, đường truyền bằng cáp quang nên tốc độ cũng nhanh hơn" - Son Lek cho hay.
Ở Mytel, Son Lek tìm thấy không khí làm việc, trò chuyện như một gia đình giữa các đồng nghiệp dù tốc độ làm việc thì "điên cuồng". Sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Myanmar cùng những kiến thức, kinh nghiệm làm việc với tốc độ khó tin tại mạng di động này là những điều khiến cô gái này yêu thích.
Son Lek cùng với nhóm của mình bán hàng di động tại một khu chợ ở trung tâm Sagaing
Trong khi đó, với Min Thu Ko Thet - người đã có 19 năm kinh nghiệm làm việc thì Mytel đem đến cơ hội mà anh gọi là "tự làm chủ và tự quyết định" rất lớn. Quản lý vùng 3 trung tâm 6 huyện của Mytel ở bang Mon, anh Min Thu Ko Thet cảm thấy rất nhiều điểm khác biệt khi làm việc tại Mytel.
Anh Min Thu Ko Thet
Nếu so sánh với công ty gần nhất anh làm việc là Ooredoo (một hãng viễn thông của Qatar vào Myanmar trước đó), Min Thu Ko Thet thấy ngay sự thay đổi lớn. "Sau khi được giao nhiệm vụ, tôi được toàn quyền quyết định sẽ làm như thế nào, và chỉ cần báo cáo kết quả cho người quản lý. Có rất nhiều khó khăn nhưng tạo ra nhiều hứng thú để làm việc. Khi nhìn thấy thành công một việc gì, tôi cảm thấy rất hạnh phúc", Ko Thet tâm sự.
Triết lý khác biệt cùng cảm giác làm chủ thực sự
Trên thực tế, trải nghiệm làm viễn thông ở Mytel có tốc độ không giống với bất kỳ một công ty viễn thông nào tại Myanmar. Xây dựng hạ tầng và đi vào vận hành, bán hàng, khai trương với tốc độ kỷ lục, bất kỳ một ai vào mạng di động này cũng đều được giao quyền rất lớn, kể cả cấp thấp nhất. Bởi chỉ như vậy, công ty mới vận hành đủ nhanh. Và để có thể cạnh tranh, Mytel phải áp dụng công nghệ mới nhất - 4G, điều mà các nhà mạng đi trước vẫn chưa triển khai.
"Chỉ cần nhìn thấy tốc độ phát triển các trạm BTS, chất lượng đường truyền chỉ trong một thời gian ngắn kỉ lục là có thể thấy được công nghệ cao của Mytel. Đa số các nhà mạng khác chỉ triển khai ở thành thị, nhưng Mytel đã phủ sóng được gần như ở các vùng sâu, vùng xa. Và cách thức làm việc cũng rất khác, giảm hết các chi phí trung gian. Khách hàng có thể đến trực tiếp các cửa hàng hoặc chúng tôi sẽ tự tìm đến nhà để hướng dẫn khách hàng sử dụng. Điều này rất khác biệt" - Ko Thet cho hay. Quản lý này tin tưởng rằng, Mytel sẽ trở thành nhà mạng lớn nhất Myanmar trong một tương lai không xa.
Tại Mytel chi nhánh Sagaing (bang lớn nhất Myanmar) có 50 nhân viên người địa phương, trong đó 100% đều tốt nghiệp đại học, và 4 người có bằng thạc sĩ. "Nhiều người từng làm việc ở các mạng khác đã chuyển đến Mytel không phải vì mức lương cao hơn. Họ thích triết lý cũng như cách làm việc của chúng tôi trong việc đầu tư và phát triển tại Myanmar (Empower me, empower Myanmar)", ông Thái Lương Hòa - Giám đốc Mytel chi nhánh Sagaing cho biết.
Ông Thái Lương Hòa (bìa trái) - Giám đốc Mytel chi nhánh Sagaing
Vị giám đốc chi nhánh Sagain còn bổ sung, những người Mynamar bắt nhịp rất nhanh và rất hào hứng. Trong những ngày gấp rút triển khai xây dựng các trạm BTS cho đúng tiến độ, hầu hết các nhân viên đều tự nguyện làm việc tới 10-11 giờ đêm, mà hôm sau lại bắt đầu từ 8 giờ sáng.
Trong khi đó, theo ông Đàm Văn Thành - Giám đốc chi nhánh Mytel tại bang Mon, việc giao quyền cho người địa phương để họ thực hiện công việc là cách thức được yêu thích ở Mytel. "Công việc ở chi nhánh đều được giao cho người địa phương thực hiện. Các kỹ sư người Việt chỉ hỗ trợ đào tạo, quản lý. Người Myanmar cảm giác được làm chủ thực sự và tạo nên được những thay đổi lớn trên đất nước của mình nên vô cùng hào hứng", ông Thành nhận xét.
Ông Đàm Văn Thành - Giám đốc chi nhánh Mytel tại bang Mon
Bên cạnh việc trao quyền và sự hấp dẫn về triết lý làm việc, công nghệ mới, mô hình kinh doanh khác biệt cũng tạo điều kiện cho nhiều người Myanmar yêu thích trải nghiệm khác biệt đến với Mytel.
Mô hình "door to door" là một trong những khác biệt mà Mytel đem đến và là mô hình lần đầu tiên được triển khai tại Myanmar. Theo đó, từng nhóm làm thị trường sẽ đến trực tiếp từng hộ gia đình để giới thiệu về gói cước, cũng như các dịch vụ của Mytel.
Tham gia Mytel được 4 tháng, cô nhân viên người địa phương - May Ju Ly (chi nhánh Mytel tại bang Mon) rất hào hứng với mô hình này. Ju Ly cho biết: "Trước đây, mọi người phải tới các cửa hàng mới mua được SIM di động, còn chúng tôi thì tới tận nhà giới thiệu, bán hàng và cài đặt mọi thứ cho họ".
Nhóm của Ju Ly có 5 người, chia nhau đi đến từng nhà để giới thiệu, giải thích cho khách hàng tiềm năng về ưu điểm của gói cước Mytel và các dịch vụ kèm theo. Nhờ mô hình mới với người dân Myanmar, cộng với ưu điểm về sản phẩm (giá cước rẻ, khuyến mại lớn), lợi thế về hạ tầng 4G, việc bán hàng cũng khá thuận lợi.
Mỗi ngày nhóm 5 người của July có thể bán được 100 SIM, đem lại thu nhập trung bình mỗi người khoảng 15.000 KATs/ngày (tương đương 250.000 đồng). Đây là mức thu nhập không nhỏ so với mặt bằng chung nên là nhân tố kích thích Ju Ly tiếp tục "door to door" mỗi ngày, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 3 triệu khách hàng của Mytel trong năm 2018.
Bình luận (0)