Chưa có một cuộc phòng chống dịch nào mà công nghệ được khai thác nhiều và sâu rộng, hiệu quả như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Điều thú vị là không phải chỉ các nhà khoa học hay cơ quan nghiên cứu công nghệ chuyên nghiệp mà trong thời điểm khó khăn, cả xã hội đã vào cuộc. Đó là những ứng dụng tiện ích toàn dân.
Tài xế công nghệ đi chợ hộ khách hàng thông qua tính năng trên app. Ảnh: LAM GIANG
Chợ ngay trong bếp
Nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ đi chợ giúp người dùng mua sắm hàng hóa... trong bối cảnh cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc. Người dùng có thể đi chợ qua ví điện tử, ứng dụng (app) của các ngân hàng thương mại.
Đang có nhu cầu mua trái cây, thực phẩm cho gia đình, chị Lam Thanh (ngụ quận 2, TP HCM) truy cập vào app VinID (Công ty CP VinID Pay) để "đi chợ", mua sắm hàng hóa, sản phẩm của siêu thị VinMart, BigC và các cửa hàng thiết yếu khác. "Sau khi kiểm tra lượng thực phẩm tồn trong tủ lạnh, tôi sẽ chọn thêm các sản phẩm cần dùng có sẵn trong từng cửa hàng, siêu thị trực tuyến bỏ vào giỏ hàng và thanh toán qua ví điện tử, thẻ tín dụng hoặc thẻ ATM nội địa. Sản phẩm sẽ được giao tận nhà với phí giao hàng khoảng 30.000 đồng rất tiện dụng" - chị Lam Thanh chia sẻ. App "đi chợ" VinID khá đa dạng sản phẩm từ rau củ, thịt, hải sản, bơ, sữa, trứng, thực phẩm khô, thức ăn nhanh, hàng đông lạnh...
Các ngân hàng thương mại cũng đưa tính năng "đi chợ" trên ví điện tử tích hợp ứng dụng Mobile Banking như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tính năng Siêu thị Vinmart Online trên BIDV SmartBanking. Hàng hóa sẽ được giao trong vòng 2-3 giờ đối với khu vực nội thành. Người dùng sử dụng BIDV SmartBanking đặt hàng với thao tác đơn giản như đăng nhập ứng dụng BIDV SmartBanking trên điện thoại di động, chọn chức năng "VnShop", chọn gian hàng "Vinmart: Siêu thị tại nhà", lựa chọn hàng hóa và thêm vào giỏ hàng, kiểm tra thông tin giỏ hàng và xác thực thanh toán.
Một ứng dụng gọi xe công nghệ cũng cung cấp tính năng "đi chợ" để người dùng truy cập vào app Be, chọn mua thực phẩm, trang thiết bị y tế... Các điểm bán hàng xuất hóa đơn bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng có thương hiệu để tài xế mua hộ, lấy hóa đơn rồi giao tận nơi. Các thao tác chỉ diễn ra trong vòng vài phút, sau đó người dùng chờ tài xế giao hàng và thanh toán. Đại diện Be cho biết dịch vụ Be "đi chợ" đã hợp tác với một số đơn vị bán lẻ, đưa trực tiếp hình ảnh, giá bán sản phẩm lên ứng dụng. Trong giai đoạn đầu ra mắt phiên bản mới, các đơn vị như Circle K, 7-Eleven, Nam An Market, Farmers’ Market, hệ thống nhà thuốc Long Châu, trái cây sạch F99, cửa hàng nông sản chodaumoi.com… đều tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành riêng cho khách hàng của Be, với mức ưu đãi 10% -50% món hàng hoặc đơn hàng.
Cây “ATM gạo” nhận diện khuôn mặt tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ảnh: NGÔ NHUNG
Hỗ trợ phòng dịch
Từ sáng kiến của một doanh nghiệp ở quận Tân Phú (TP HCM), hiện "ATM gạo" đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Từ chỗ dùng camera nhận dạng đối tượng cần trợ giúp, một số "ATM gạo" sau này được nâng cấp và đa dạng loại hình cung cấp sản phẩm. Hệ thống cải tiến nhận diện do cán bộ của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội thiết kế chỉ trong 2 ngày đã được chính quyền địa phương ở phường Đồng Tâm và quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phối hợp triển khai từ sáng 16-4. Trước camera quét, người nhận quà nói lớn và rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại; hệ thống cập nhật, nhận diện 10 điểm trên gương mặt (tránh nhận nhiều lần) và phát quà.
Cư dân mạng cách đây không lâu bị sốc khi thấy gương mặt một nữ nhân viên y tế tại bệnh viện điều trị Covid-19 bị hằn sâu các vết khẩu trang do phải đeo quá lâu và quá chặt khiến vành tai tổn thương. Từ ý tưởng của một học sinh Canada, sinh viên một số trường đại học đã ứng dụng công nghệ in 3D để sản xuất thiết bị giúp giảm đau khi đeo khẩu trang. Ngoài 3 máy in do mình tự lắp ráp và một số máy in 3D được những người thiện tâm phụ giúp, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã được Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP cho mượn 2 máy in 3D và tặng 5 cuộn nhựa PLA để có thể tăng công suất. Hàng ngàn thiết bị chống đau tai này đã được gửi tặng nhiều bệnh viện để chia "lửa" cùng các nhân viên y tế.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Ngọc Lâm - Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc (Đồng Tháp) - đã nghiên cứu thành công "Robot vận chuyển đồ dùng cho bệnh nhân cách ly" để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Thiết bị 4,5 kg nhưng có khả năng vận chuyển đến 10 kg, sóng điều khiển truyền xa khoảng 40 m, pin sạc dùng liên tục 6 giờ với chi phí chưa tới 2 triệu đồng. Robot được tích hợp camera và thiết bị âm thanh để phát nhạc hiệu thông báo nhận đồ.
Một nhóm gồm 3 học sinh Võ Đức Huy, Đặng Lê Gia Hiếu, Tạ Nhật Minh và thầy Phan Đình Phúc của Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã chế tạo thành công thiết bị tích hợp đo thân nhiệt kết hợp sát khuẩn tự động với nhiều tính năng mà chi phí rẻ. Hệ thống này đã được gắn tại cổng trường, kết quả đo thân nhiệt được chuyển đến máy tính của nhân viên y tế. Nếu có bất kỳ trường hợp nào thân nhiệt cao bất thường, hệ thống sẽ cảnh báo.
Bình luận (0)