Chia sẻ tại diễn đàn "Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2020" mới đây, bà Vũ Ánh Tuyết, Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam, cho hay trong mùa dịch Covid-19, không chỉ các công ty lớn mà nhiều cá nhân cũng kết hợp với sàn thực hiện chuyển đổi số, tạo nhiều tính năng, tăng cường tương tác với khách hàng để tăng doanh thu.
Lên sàn, đơn hàng tăng 40 lần
Bà Tuyết thông tin Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (SagriFood) chỉ sau hơn 2 tháng sản phẩm lên sàn TMĐT, đơn hàng đã tăng đáng kể, có thời điểm tăng gấp 40 lần so với trước khi bán hàng trực tuyến.
Những gian hàng bán lẻ của cá nhân cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau khi bán hàng online. Trên sàn Lazada, chủ một xưởng sản xuất giày thủ công đã tăng doanh số bán hàng online lên 1,5 lần so với thời điểm này năm ngoái với 200-300 đơn hàng/ngày. Một gian hàng bán mỹ phẩm của chị Trương Thị Tâm ghi nhận đơn hàng tăng 15 lần, doanh thu tăng 14 lần và lượt người theo dõi tăng đến 70 lần… Cách thức chung của các nhà bán hàng online là tăng cường tương tác với người mua hàng thông qua các ứng dụng trao đổi, phản hồi và livestream (phát trực tiếp) để giới thiệu sản phẩm. "Nhà bán hàng nào nắm được thông tin hành vi khách hàng và tận dụng hiệu quả từ nền tảng công nghệ thì không chỉ trụ vững mà thậm chí thắng lớn ở kênh bán hàng online" - bà Vũ Ánh Tuyết nhận định.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển doanh nghiệp (DN) tại Tiki, cho biết sau đợt dịch, hơn 50% người dùng trên sàn TMĐT Tiki là khách hàng mới và lần đầu tiên mua sắm trực tuyến. Nhóm khách hàng mới là đối tượng chưa có nhiều trải nghiệm trên các sàn TMĐT. Do đó, theo ông Khánh, việc xây dựng và khai thác những công nghệ thông minh để tối đa hóa sự đơn giản, nhanh chóng mà vẫn bảo đảm an toàn khi mua sắm trực tuyến sẽ giúp trải nghiệm từ những lần đầu của khách hàng "mượt mà" hơn, từ đó giữ họ ở lại với hình thức mua sắm này trong những lần tiếp theo. Cũng theo đại diện Tiki, sàn TMĐT này đã ứng dụng nhiều công nghệ vào hoạt động vận hành. Điển hình là công cụ "Demand forecast engine" giúp dự báo nhu cầu mua hàng, quản lý hàng tồn kho, từ đó bảo đảm hàng hóa luôn sẵn có, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu mua sắm của khách. Đội ngũ giao hàng (shipper) cũng được trang bị ứng dụng riêng để xác định cung đường vận chuyển thuận tiện và nhanh chóng nhất. Về chất lượng hàng hóa, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các công cụ rà soát và hệ thống phát hiện gian lận đã giúp sàn tự động phát hiện sản phẩm kém chất lượng và các dấu hiệu gian lận…
Đội ngũ giao hàng cũng được trang bị ứng dụng để xác định cung đường vận chuyển thuận tiện và nhanh nhất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công nghệ là chìa khóa
Đại diện Tập đoàn Công nghệ và Truyền thông Yeah1 cũng nhìn nhận để giành được lòng tin và sự trung thành của khách hàng, nhà bán hàng cần phối hợp với công ty công nghệ để có các ứng dụng, tiện ích phù hợp.
"Nike trước đây chỉ bán sản phẩm tại các cửa hàng nhưng hiện đã tạo ra một nền tảng trên mobile để tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu và tập hợp thông tin khách hàng. Hay một thương hiệu mỹ phẩm cũng ứng dụng AI trên website bán hàng để nhận diện khuôn mặt, lời nói, hành động của người truy cập, giúp hãng tiếp cận gần hơn với khách hàng và bán hàng hiệu quả hơn" - đại diện này nêu ví dụ và cho rằng công nghệ chính là chìa khóa của bán lẻ hiện đại trong tương lai. Đại diện một sàn TMĐT phân tích: "Việc các sàn TMĐT sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để người bán nắm được thông tin khách hàng, hình thức bán hàng được ưa chuộng, sản phẩm bán chạy ở mức giá nào… sẽ giúp nhà bán hàng đưa ra quyết định chính xác và kịp thời trong phân phối, nhập hàng và xác định mức giá, mức khuyến mại sao cho có lợi, thu hút khách nhất".
Giới chuyên gia nhận định tự động hóa dịch vụ khách hàng là xu hướng quan trọng hiện nay, góp phần cải thiện mức độ hài lòng khách hàng, tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả tốt nhất cho DN. Tự động hóa dịch vụ khách hàng có thể thông qua các hình thức như tự động mời chat (trò chuyện) khi khách hàng chọn được sản phẩm, hỏi thăm khi khách hàng rời trang mà không được thanh toán…
Tận dụng mạng xã hội
Ông Nguyễn Thành Vân, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành chuỗi thời trang Gumac, thừa nhận dù đại dịch tác động rất lớn đến nền kinh tế nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của DN. Trung bình, Gumac vẫn duy trì 3.000 đơn hàng/ngày trong thời gian dịch bệnh. Để giữ ổn định cho hoạt động kinh doanh, ông Vân cho biết công ty áp dụng nhiều giải pháp tối ưu hóa việc thiết kế gian hàng trên các sàn TMĐT, thay đổi định kỳ giao diện, nâng chất lượng hình ảnh, video về sản phẩm; tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook để livestream; tăng tiếp cận khách hàng qua website, SMS...
Bình luận (0)