Ngay trước đó, dư luận dậy sóng với nghi án Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập hàng Trung Quốc rồi xé tem gắn nhãn "Made in Vietnam". Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 4-7, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, xác nhận: "Chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hóa như thế nào được gọi là "Sản xuất tại Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam"… Bộ này cũng nói thật là trước giờ, mọi chuyện đều tùy doanh nghiệp (DN). Nghị định 43/2017 có điều 15 quy định DN, tổ chức, cá nhân xác định và có trách nhiệm với thông tin đưa ra. Nghĩa là trách nhiệm công bố xuất xứ hàng hóa bị thả trôi, đẩy về phía DN và tùy tâm của họ.
Hậu quả nhãn tiền của sự mập mờ và chưa có chuẩn mực pháp lý cụ thể từ cơ quan chức năng đã gây rối loạn thị trường trong nước và ẩn chứa nhiều bất trắc khi xuất khẩu. Trong nước thì người tiêu dùng dễ bị DN xấu đánh lừa, còn DN thì giống như "đu dây", có thể bị coi là vi phạm bất cứ khi nào có ai tố giác. Thậm chí, khi được giải oan thì "được vạ má đã sưng", có khi phá sản hay giết chết cả thương hiệu.
Trong sản xuất hàng hóa trên toàn cầu ngày nay, đặc biệt là hàng công nghệ, dựa vào tính hiệu quả kinh tế tối ưu, các nhà sản xuất có thể tìm nguồn mua linh kiện, nguyên vật liệu từ nhiều nước nhập về để làm ra thành phẩm. Thậm chí, nhà sản xuất cũng có thể chọn đặt nhà máy hay gia công thành phẩm ở nước ngoài. Vì thế, việc xác định xuất xứ hàng hóa trở nên phức tạp hơn, tạo kẽ hở để cho gian lận xuất xứ đánh lừa người tiêu dùng hoặc tránh né thuế quan.
Nhiều DN sản xuất, kinh doanh hàng công nghệ Việt Nam giờ như đang ngồi trên ổ kiến lửa sau vụ Asanzo. Lâu nay, các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt Nam được làm với nhiều dạng như OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), CKD (lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu), SKD (lắp ráp trong nước có một số linh kiện nội địa hóa)… Nhưng dù lắp ráp ở đâu, hàng của thương hiệu Việt có đăng ký chính thức và hội đủ một số điều kiện cơ bản ắt được công nhận là "Sản phẩm của Việt Nam - Product of Vietnam", chỉ khác ở xuất xứ từ nước nào. Thực tế, mọi sự vẫn rối do chưa có định lượng pháp lý về tỉ lệ tối thiểu "chất Việt" để sản phẩm có thể được dán nhãn "Made in Vietnam" hay xuất xứ từ Việt Nam/ C/O from Vietnam".
Bộ Công Thương cho biết họ đang khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về nhãn mác "Sản xuất tại Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam", "Sản phẩm của Việt Nam"… DN và người tiêu dùng đang nóng lòng chờ có các quy định cụ thể để "giải cứu" các nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.
Bình luận (0)