"Coi chừng, cộng đồng mạng đang giám sát chúng ta", một vị cán bộ của một đơn vị nhà nước thường xuyên tiếp xúc với người dân đã nói trong một cuộc họp giao ban trong thời điểm một clip về cách hành xử của nhân viên thuộc cấp được tung lên mạng. Nhân viên công quyền này chưa có những phát ngôn kiểu như đại úy Lê Thị Hiền ở sân bay, cũng không vung tay như thượng úy Nguyễn Xô Việt ở nhà chờ tại một trạm dừng chân, tuy nhiên, biểu cảm của nhân viên này được coi là không đúng chuẩn mực giao tiếp.
Trong thực tế, sau những vụ lùm xùm trên mạng, nhiều cán bộ nhà nước và những người thực thi pháp luật đã phải thay đổi thái độ giao tiếp, nâng cao chuẩn mực trong lời nói và hành xử. Tuy nhiên, tác động của thay đổi này không đến từ nhận thức của người vi phạm mà do tác động từ những chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Một câu nói bỗ bã, một hành xử sai trái, tất cả có thể bị ghi vào clip gây nổi sóng trên cộng đồng mạng, bị soi chiếu và bình phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, việc dùng điện thoại thông minh để quay chụp lực lượng chức năng khi thi hành công vụ cũng tạo ra nhiều phiền toái. Phiền toái đầu tiên được tạo ra bởi những người quay mà mục đích tối thượng của họ là thu hút sự quan tâm của mọi người. Lực lượng chức năng khi đang thi hành công vụ phải ứng xử với cả những người không liên quan đang tạo ra sự cản trở. Với vụ một ông bố tố con gái bị xâm hại tình dục ở Nghệ An, dân mạng nhao nhao lên án lực lượng chức năng đã vào cuộc chậm trễ hay bàng quan, nhưng kết quả xác minh lại hoàn toàn ngược lại. Ông bố đã dựng chuyện và đóng vai diễn viên chính. Câu chuyện thời sự nhất gần đây là bên lề một phiên tòa, quay phim của một đài truyền hình được cho là đã dùng máy ảnh gõ vào đầu một nữ phóng viên khác, sau đó buông những lời tục tĩu. Nữ phóng viên kia cũng có những đáp trả bằng ngôn ngữ "không phải dạng vừa". Sự phán xét trên mạng luôn nhanh hơn sự thật. Người thực hiện (hay người chia sẻ) hay người xem clip đòi hỏi phải hành xử đúng mực. Người thực hiện hay chia sẻ clip phải bảo đảm tính khách quan, chân thật, tuân thủ nguyên tắc của cộng đồng và pháp luật để xã hội tốt hơn chứ không nhằm mục đích xấu hay thể hiện cái tôi. Người xem clip phải tỉnh táo vì không phải clip nào cũng đúng sự thật mà cần tham khảo nhiều nguồn khác trước khi bày tỏ quan điểm.
Chỉ có như vậy, clip trên mạng xã hội mới phát huy được tính tích cực cho cuộc sống.
Bình luận (0)