Loại vật liệu này có đặc điểm là khi bị hư hỏng có thể tự phục hồi nên có độ bền, tính chống gãy đứt, chống ăn mòn cao hoặc có tính dẫn điện.
PGS-TS Nguyễn Thị Lệ Thu và các cộng sự tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM đã nghiên cứu thành công vật liệu "tự lành" trên cơ sở tổng hợp hệ PU (polyurethane) kết hợp liên kết Diels-Alder. Sản phẩm có thể lành hiệu quả vết rạch xước trên bề mặt khi gia nhiệt ở 60-70 độ C trong vòng 1 giờ, hiệu quả hồi phục trên 90%.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lệ Thu, sản phẩm của nhóm nghiên cứu có độ tinh khiết, cấu trúc hóa học, tính nhớ và tính thuận nghịch của liên kết nối mạng tương đương các sản phẩm cùng hệ trên thế giới.
Đại diện nhóm các nhà khoa học tại Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM báo cáo kết quả nghiên cứu về vật liệu “tự lành”. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Các nhà chuyên môn đánh giá vật liệu "tự lành" được tổng hợp bởi nhóm nghiên cứu có thể giúp tăng đáng kể hiệu quả kinh tế của sản phẩm nhờ tuổi thọ cao, giảm thiểu chi phí sửa chữa. Việc nghiên cứu thành công vật liệu này mở ra hướng tiếp cận mới cho một số lĩnh vực như in ấn, tráng phủ trên bề mặt vải, gỗ hay nhựa, sản xuất vật liệu dùng trong lĩnh vực bao bì.
"Qua thử nghiệm in ấn nội dung quảng cáo trên vỏ hộp, bề mặt áo thun tại một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, vật liệu "tự lành" của nhóm nghiên cứu đã nhận được phản hồi tích cực về chất lượng, độ bền và khả năng ứng dụng lâu dài trong thực tiễn" - PGS-TS Nguyễn Thị Lệ Thu thông tin.
Bình luận (0)