Quyết định 964/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" đã nêu rõ: "An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số; nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".
Cơ hội lớn...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), 2020 được xem là năm khởi động nhận thức, thì 2021 là năm triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Còn 2022 được xem là năm tăng tốc, mà dấu ấn quan trọng là Bộ Công an đã xây dựng thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chính thức vận hành với trên 71,7 triệu thẻ căn cước có gắn chip, đưa Việt Nam trở thành nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính trên thế giới.
Nhóm thuộc Dự án "Chống lừa đảo" của anh Ngô Minh Hiếu trao đổi giải pháp hỗ trợ người dùng
Bộ TT-TT cho biết đến hết quý III/2022, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 67,81%, tăng 31% so với cuối năm 2021; tỉ lệ lũy kế hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được xử lý trực tuyến qua DVCTT/tổng số hồ sơ TTHC đạt 43,2%, tăng 13,06% so với cùng kỳ năm 2021. Ðặc biệt, tỉ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP quý III là 11,8%, tăng 0,67% so với quý II và 0,88% so với quý I. Ðã có 63/63 tỉnh, thành triển khai công nghệ số cộng đồng.
Tại sự kiện chuyển đổi số quốc gia vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh những mặt tích cực về chuyển đổi số trong thời gian qua, đó là nhận thức và hành động của người dân đã có nhiều chuyển biến; Chính phủ đã xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, từ đó nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy; dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; an ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; nguồn lực tài chính, nhân lực cho chuyển đổi số được tăng cường; tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra trong tháng 11-2022, các đại biểu cũng nhấn mạnh: "Cần nghiên cứu về việc kiểm soát dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời quy định rõ những hành vi bị cấm như làm lộ, lọt thông tin của cá nhân trong giao dịch điện tử".
... Thách thức nhiều
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021). Trong năm qua, Bộ TT-TT, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng hướng tới toàn thể các cơ quan, tổ chức và người dân trên cả nước nhằm xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, góp phần chuyển đổi số quốc gia nhanh, bền vững.
TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam, cho rằng việc nhận diện đúng các rủi ro, thách thức về bảo mật thông tin sẽ giúp chúng ta chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia không gian số, xã hội số, đặc biệt khi tốc độ chuyển đổi số đang rất nhanh như hiện nay. Theo ông, tình hình an ninh mạng của chúng ta sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, tội phạm mạng tiếp tục gia tăng hoạt động rộng khắp trên mọi lĩnh vực. Việc ban hành chiến lược quốc gia về an toàn an ninh mạng là một thuận lợi để bảo đảm an toàn thông tin đối với toàn bộ các lĩnh vực bao gồm khu vực công, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Về thách thức lớn nhất của chuyển đổi số, ông Khang cho rằng đó chính là việc bảo vệ tính riêng tư và bảo đảm an toàn cho các kho dữ liệu. Việc khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư quốc gia và căn cước công dân điện tử sẽ là chìa khóa chính cho việc giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, CEO CyberJutsu Academy Nguyễn Mạnh Luật cho rằng để không gian mạng an toàn, ngoài tuyên truyền nhận thức cho người dùng thì việc đào tạo một đội ngũ chuyên gia bảo mật, an toàn thông tin vững mạnh cũng là cách để giúp không gian mạng ngày càng lành mạnh, bền vững hơn, bởi chính lực lượng này sẽ tác động trực tiếp mỗi ngày đến cộng đồng trên không gian mạng. "Họ giống như đội ngũ y - bác sĩ của chúng ta vậy. Khi họ càng nhiều thì người dân càng có cơ hội tiếp xúc, trao đổi để hiểu bệnh, phòng ngừa bệnh tốt hơn..." - ông Luật nói.
Người dùng dễ để lộ, lọt thông tin cá nhân
Theo chuyên gia an toàn thông tin Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), thuộc Trung tâm An toàn Không gian mạng quốc gia (Bộ TT-TT), nâng cao nhận thức cho người sử dụng đầu cuối rất quan trọng. Bởi nếu ở cơ quan nhà nước, các tập đoàn, công ty lớn cung cấp dịch vụ, nền tảng số có độ bảo mật cao thì người dùng dễ để lộ, lọt thông tin cá nhân, gây ra nhiều hệ lụy. Anh Hiếu khuyến cáo khi đã bước vào sự "vô tận" của không gian mạng thì người dùng không nên "vô tư", thờ ơ với sản phẩm nền tảng công nghệ mà mình đang dùng. Phải có trách nhiệm bảo mật, bảo đảm an toàn cho mình trong lúc sử dụng sản phẩm, phần mềm của nhà cung cấp... "Nhiều người vô tư chia sẻ thông tin, sự việc cá nhân lên không gian mạng. Sau đó, những thông tin này bị lấy làm công cụ để đối tượng xấu tống tiền hoặc lừa đảo..." - anh Hiếu dẫn chứng.
Bình luận (0)