Báo Người Lao Động đã ghi nhận tình trạng này và gửi câu hỏi đến đại diện Meta (chủ quản Facebook tại Việt Nam) về việc vì sao Facebook nhận quảng cáo cả những trang bán hàng không hợp pháp; về chính sách kiểm soát tính hợp pháp của các nhãn hàng khi quảng cáo của Meta và trường hợp phát hiện nhãn hàng được quảng cáo là hàng giả, Meta xử lý ra sao?
Trong email trả lời, đại diện Meta tại Việt Nam không trả lời trực tiếp các câu hỏi mà nói rằng: "Chúng tôi cam kết tiếp tục cải thiện những công nghệ của mình để mang đến một không gian an toàn hơn, giúp mọi người và doanh nghiệp kết nối, chia sẻ, mua và bán. Một phần của mục tiêu này bao gồm bảo vệ tài sản trí tuệ và chống lại hành động bán và quảng cáo các sản phẩm giả mạo gây tổn hại cho thương hiệu, thương nhân trung thực cũng như người tiêu dùng" – email viết.
Meta cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào các công cụ và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp và bảo vệ thương hiệu của họ, đồng thời xây dựng các công cụ bổ sung để các thương hiệu có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của họ hiệu quả hơn, cuối cùng là giúp người tiêu dùng tránh các sản phẩm giả mạo.
Quảng cáo về tai nghe Marshall giá siêu xuất hiện đầy trên mạng xã hội vài tuần trước - Ảnh: NLĐO
Để giữ an toàn cho mọi người và doanh nghiệp trong quá trình mua, bán, quảng cáo và sáng tạo trên Facebook, Meta đã đặt ra các chính sách nghiêm cấm nội dung vi phạm quyền của người khác, bao gồm cả việc bán hoặc quảng cáo sản phẩm giả mạo.
Facebook có các kênh công khai để chủ sở hữu bản quyền có thể báo cáo nội dung mà họ cho rằng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ, bao gồm cả nội dung cung cấp hàng giả thông qua "Mẫu báo cáo của Facebook".
Mạng xã hội này còn "khoe" có các hệ thống tự động xét duyệt quảng cáo, danh sách sản phẩm trên Marketplace, nội dung trong cửa hàng và bài đăng bán hàng cũng như các danh sách thương mại khác trước khi chúng xuất hiện trực tuyến và chủ động chặn nội dung có thể bán hàng giả.
"Các hệ thống này có thể chặn nội dung dựa trên các dấu hiệu như: tên thương hiệu, logo, từ khóa, giá cả, giảm giá và các đặc điểm đáng ngờ khác.
Nhóm điều hành tài sản trí tuệ trên toàn cầu của Meta gồm các chuyên gia làm việc 24/7 với nhiều ngôn ngữ cũng hỗ trợ xem xét nội dung được báo cáo và xóa nội dung đó hoặc vô hiệu hóa các tài khoản vi phạm nếu thích hợp. Nếu báo cáo đầy đủ và hợp lệ, nhóm sẽ nhanh chóng xóa nội dung được báo cáo - thường trong vòng một ngày sau khi chúng tôi nhận được báo cáo" – đại diện Meta giải thích.
Ngoài ra, Facebook còn cung cấp công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu để giúp các thương hiệu xóa nội dung lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của họ, đặc biệt là các sản phẩm giả mạo và vi phạm nhãn hiệu.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều fanpage giả mạo SamCenter Việt Nam (Đại lý ủy quyền của Samsung Việt Nam) rao bán tai nghe Samsung Galaxy Buds 2 Pro với giá chỉ 599.000 đồng, trong khi giá bán sản phẩm chính hãng tới hơn 4 triệu đồng. Phía Samsung Việt Nam và đại lý ủy quyền đều lên tiếng khẳng định các fanpage rao bán tai nghe nói trên đều là giả mạo.
Ngoài ra, trên Facebook liên tục xuất hiện các quảng cáo được tài trợ về chiếc tai nghe Marshall Minor 3, loa giả mạo giá chỉ 549.000 đồng, giảm 70% từ giá gốc 2.890.000 đồng.
Marshalll Việt Nam cho biết thông tin sự việc đã được chuyển tới đội pháp chế của hãng để làm việc với cơ quan chức năng và các bên liên quan.
Bình luận (0)